Dịch COVID-19: Phản hồi tích cực từ chương trình dạy học trên truyền hình tại Gia Lai

Dịch COVID-19: Phản hồi tích cực từ chương trình dạy học trên truyền hình tại Gia Lai
Chương trình dạy học trên truyền hình dành cho học sinh lớp 9, với ba môn: Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh được giảng dạy bởi các giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh của thành phố Pleiku, có kinh nghiệm dạy học lâu năm. Ngoài việc phát trên sóng truyền hình vào các khung giờ cố định (9 giờ 35 phút và phát lại lúc 14 giờ 45 phút hằng ngày), các chương trình ôn tập sẽ được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai tại địa chỉ: sgddt.gialai.gov.vn.

Em Lê Ngọc Huy, học sinh lớp 9A1, Trường Trung học cơ sở Ia Ly, huyện Chư Păh cho biết: Từ khi nghỉ học do dịch COVID-19 lan rộng, em chỉ được giao bài tập qua email. Trong quá trình nghỉ học, em cũng theo dõi các chương trình dạy học trên internet song do ảnh hưởng từ ngôn ngữ vùng miền nên lượng kiến thức em được ôn tập còn hạn chế. Em thấy chương trình dạy trên truyền hình rất tốt. Chương trình này đã giúp em cập nhật lại kiến thức sau thời gian dài chưa được đến trường.

Em Tô Mai Anh, Trường Trung học cơ sở Ia Ly, huyện Chư Păh cũng không giấu được niềm vui khi có chương trình dạy học trên truyền hình. Em Tô Mai Anh chia sẻ: Ngày nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng có nhiều cách học online nhưng em vẫn thích chương trình này vì được các thầy cô dạy sát chương trình, dễ hiểu và dễ tiếp thu hơn. Kiến thức của chúng em được nâng cao, nhất là khi chúng em chuẩn bị phải thi chuyển cấp.

Ngoài sự đồng tình ủng hộ của học sinh, chương trình dạy học trên truyền hình tại Gia Lai cũng nhận được những phản hồi tích cực từ phía phụ huynh học sinh. Anh Lê Hữu Thịnh, phụ huynh em Lê Ngọc Huy cho biết, anh và gia đình rất lo lắng cho kiến thức của con khi thời gian nghỉ học kéo dài, trong khi đây là năm học cuối cấp của con.

“Tôi cũng có ngồi xem và hỗ trợ con học theo chương trình này thì thấy việc giảng dạy của các thầy cô trên truyền hình dễ hiểu, dễ tiếp thu, giúp các em học tập tốt, nắm vững kiến thức. Tôi cũng mong ngành giáo dục, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh phát sóng nhiều chương trình như thế này hơn nữa để học sinh được học tập tốt hơn”, ông Lê Hữu Thịnh cho biết thêm.

Trên thực tế, việc sản xuất các chương trình giáo dục, dạy học trên truyền hình tại Gia Lai gặp không ít khó khăn, bởi việc tuyển chọn thầy cô giáo giảng dạy phải đạt được tất cả các yếu tố là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, có thể giảng dạy trước ống kính máy quay.

Bà Nguyễn Hữu Hòa Giang, Phó trưởng Phòng Chuyên đề - Văn nghệ - Giải trí, Đài Phát thanh - Truyền hình Gia Lai cho biết, đây là một áp lực không nhỏ đối với ê-kíp sản xuất chương trình. Việc tạo sự tự tin cho các giáo viên trước ống kính, truyền đạt đầy đủ kiến thức cho học sinh là không đơn giản.

“Cả ê-kíp sản xuất chương trình đã đặt ra một nhiệm vụ, đó là phải cố gắng hoàn thành công việc trong một khoảng thời gian không có nhiều, tổ chức sản xuất một chương trình giáo dục mang lại hàm lượng kiến thức chuẩn nhất, cần thiết nhất cho học sinh, giúp các em không quên bài vở trong thời gian nghỉ học và dần lấy lại nhịp độ học tập, có thể quay trở lại lớp học ngay khi dịch bệnh qua đi”, bà Hòa Giang nói.

Trước khi phối hợp cùng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Gia Lai tổ chức chương trình dạy học trên truyền hình, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã tổ chức ôn luyện kiến thức cho học sinh dựa vào phần dạy học trực tuyến trên mạng xã hội học tập Viettel Study và VNPT-Elearning. Tuy nhiên, theo ông Lê Duy Định - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai, việc học trực tuyến có khó khăn là bắt buộc học sinh phải có mạng internet. Trong khi đó, Gia Lai là tỉnh có tỉ lệ học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số cao (chiếm 46%), điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên việc học tập trực tuyến phổ cập không lớn. Vì vậy, việc tổ chức chương trình học trên truyền hình là phù hợp, bởi sóng truyền hình đã được phủ trên địa bàn tỉnh và tivi cũng là vật dụng phổ biến trong các gia đình.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai phân tích, ưu điểm của việc học trên truyền hình là không cần tập trung học sinh đến lớp nên phù hợp với giai đoạn hiện nay. Người dạy là những giáo viên có trình độ chuyên môn tốt, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh nên chất lượng dạy học tốt hơn. Tuy nhiên, nhược điểm của chương trình này là không kiểm soát được việc học của học sinh, không có sự tương tác giữa người dạy và người học. Vì vậy, Sở đã giao Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố và các trường học thông tin đầy đủ đến học sinh để biết, theo dõi chương trình.

“Trước mắt, chúng tôi đang dạy thử nghiệm nhưng nếu học sinh bậc Trung học cơ sở vẫn tiếp tục nghỉ học thì chương trình này sẽ phát sóng cho đến khi các em đi học lại. Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã trao đổi thêm với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, sau khi dịch lắng xuống, nếu điều kiện cho phép, chúng tôi sẽ phát triển chương trình dạy học trên truyền hình thành một chương trình luyện thi cho học sinh thi Trung học phổ thông quốc gia”, ông Lê Duy Định nhấn mạnh.
Dư Toán

Có thể bạn quan tâm