Chiều 20/9, Bộ Y tế cho biết, trong ngày cả nước ghi nhận 3.177 ca mắc COVID-19 mới; trên 1.400 F0 khỏi bệnh và 144 ca nặng.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.463.404 ca mắc, đứng thứ 12/227quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 115.470 ca mắc).
Số bệnh được công bố khỏi bệnh trong ngày là 1.434 ca, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 10.581.022 ca.
Số bệnh nhân đang thở ô xy là 144 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 130 ca; thở ô xy dòng cao HFNC: 3 ca; thở máy xâm lấn: 11 ca.
Ngày 19/9 ghi nhận 1 ca tử vong tại thành phố Cần Thơ.
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 1 ca/ngày.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.142 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca mắc.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Trong ngày 19/9 có 63.960 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 259.463.342 liều, trong đó:
Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 220.213.312 liều: Mũi 1 là 71.063.093 liều; Mũi 2 là 68.648.913 liều; Mũi bổ sung là 14.807.494 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 50.466.417 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 15.227.395 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 22.830.803 liều: Mũi 1 là 9.102.156 liều; Mũi 2 là 8.841.833 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 4.886.814 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 16.419.227 liều: Mũi 1 là 9.760.898 liều; Mũi 2 là 6.658.329 liều.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, các vaccine được cấp phép lưu hành hiện nay vẫn có giá trị bảo vệ cao, làm giảm nguy cơ chuyển nặng đối với tất cả các biến thể SARS-CoV-2 (bao gồm cả biến thể phụ BA.5). Do đó, các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó, như tiêm vaccine tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, bảo vệ họ tránh bệnh trở nặng.
Tiến sỹ Socorro Escalante, quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam khẳng định, vaccine hiện tại Việt Nam đang sử dụng có hiệu quả chống lại các biến chủng BA.4 và BA.5. Đây chính là lý do Chính phủ vẫn khuyến cáo người dân tiêm các mũi nhắc lại, tăng cường để phòng COVID-19.
Đặc biệt, đối với nhóm dễ bị tổn thương với COVID-19 hoặc có thể mắc COVID-19 nặng hơn so với những nhóm khác, việc tiêm vaccine giúp bảo vệ họ khỏi mắc bệnh hoặc không bị bệnh nặng. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo nên tiêm mũi thứ 4 cho những người bị suy giảm miễn dịch, những người có tuổi.
Cùng quan điểm trên, Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, những người suy giảm miễn dịch, người lớn tuổi cần tiêm nhắc lại đúng lịch, đúng liều là rất quan trọng để duy trì miễn dịch, tránh dịch xâm nhập. “Những đối tượng có nguy cơ cao cần tiêm càng sớm càng tốt để duy trì miễn dịch, tránh nhiễm những biến thể mới, những biến thể chưa rõ ràng, nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe, nâng cao dự phòng”.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân, thực tế có người dân băn khoăn khi họ mắc BA.2 rất nhẹ nhưng khi tiêm vaccine lại bị sưng, đau, đỏ tại chỗ tiêm. “Tuy nhiên, những phản ứng ấy sẽ qua đi trong vài ngày. Nhưng ngược lại, trong tương lai dịch khó dự đoán, chúng ta sẽ yên tâm hơn khi đã tiêm vaccine. Thời gian tới, nếu dịch có xâm nhập, chúng ta sẽ cảm thấy cuộc sống được bảo vệ và yên bình hơn”.
PV