Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết một trong những “ứng viên” vaccine tiềm năng hàng đầu tại nước này phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã chứng tỏ an toàn và tạo ra phản ứng miễn dịch trong cuộc thử nghiệm giai đoạn I và II ở người.
Vaccine tiềm năng có tên gọi BBIBP-CorV do Viện Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Tập đoàn Biotec quốc gia (CNBG) của Trung Quốc bào chế. Vaccine này đã được phê chuẩn cho chương trình tiêm chủng khẩn cấp tại Trung Quốc dành cho các lao động làm việc trong ngành thiết yếu và một số nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh.
Kết quả nghiên cứu công bố ngày 15/10 trên tạp chí y học The Lancet cho thấy vaccine thử nghiệm không gây tác dụng phụ nghiêm trọng mà chỉ tạo ra những phản ứng phụ ở mức nhẹ hoặc vừa phải như đau ở chỗ tiêm và sốt. Kết quả được công bố sau khi hơn 600 người trưởng thành khỏe mạnh được tiêm thử vaccine BBIBP-CorV trong cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I và II từ ngày 29/4 – 30/7 vừa qua. Trong cuộc thử nghiệm, 3 nhóm tình nguyện viên, trong đó có những người cao tuổi, được tiêm 2 mũi vaccine BBIBP-CorV với 3 liều lượng khác nhau. Tuy nhiên, lượng kháng thể ở những người tham gia thử nghiệm trên 60 tuổi thấp hơn so với nhóm người trẻ tuổi.
Tuy nhiên, hiệu quả của vaccine trên sẽ trở nên rõ ràng chỉ khi các nhà nghiên cứu hoàn tất cuộc thử nghiệm giai đoạn III đang được tiến hành ở bên ngoài Trung Quốc. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, BBIBP-CorV là một trong ít nhất 10 dự án vaccine trên toàn cầu bước vào các cuộc thử nghiệm giai đoạn III, trong đó 4 cuộc thử nghiệm của các nhà khoa học Trung Quốc. Ngoài vaccine BBIBP-CorV, CNBG cũng phát triển một loại vaccine khác tiềm năng phòng COVID-19 và vaccine này cũng đang được thử nghiệm ở giai đoạn III tại nước ngoài, cũng như được dùng trong chương trình sử dụng khẩn cấp của Trung Quốc.
Liên quan đến thuốc điều trị bệnh COVID-19, ngày 16/10, tập đoàn đa quốc gia Fujifilm cho biết một trong những công ty con của tập đoàn đã đệ đơn lên Chính phủ Nhật Bản để xin cấp phép cho sử dụng thuốc kháng virus Avigan để điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại nước này.
Tháng trước, hãng dược phẩm Fujifilm Toyama Chemical thông báo đã hoàn tất giai đoạn 3 của cuộc thử nghiệm lâm sàng đối với thuốc Avigan, bắt đầu hồi tháng 3. Đối với những bệnh nhân sử dụng thuốc Avigan, thời gian phục hồi là 11,9 ngày, sớm hơn so với thời gian là 14,7 ngày đối với những người dùng giả dược. Quá trình thử nghiệm lâm sàng cũng chưa xuất hiện những lo ngại mới về tính an toàn, ngoài những tác dụng phụ đã được chỉ ra trước đây.
Nếu được các cơ quan chức năng của Nhật Bản chấp thuận, đây sẽ là loại thuốc thứ ba được Nhật Bản cấp phép sử dụng trong phác đồ điều trị bệnh COVID-19, sau thuốc Remdesivir và Dexamethasone.
Avigan là tên thương mại của thuốc Favipiravir, được công ty dược Fujifilm Toyama Chemical của Nhật Bản bào chế cách đây 6 năm và được công nhận là thuốc chống cúm. Tuy nhiên, thử nghiệm ở động vật cho thấy thuốc có tác dụng phụ ảnh hưởng tới phôi thai, nên thuốc này chống chỉ định với những người mang thai. Hiện Avigan không có sẵn trên thị trường và chỉ được sản xuất và phân phối theo yêu cầu của chính phủ.
Nguyễn Hằng