Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể làm gia tăng các nghiên cứu khoa học cho kết quả sai sót, trong bối cảnh các nhà nghiên cứu gấp rút công bố kết quả khi chưa có sự bình duyệt đầy đủ.
Kể từ khi virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 xuất hiện vào cuối năm ngoái, đã có hơn 4.000 báo cáo chuyên môn liên quan chủng virus này. Rất nhiều báo cáo trong số đó đã được đăng trực tuyến mà chưa thông qua quá trình kiểm chứng chéo của giới khoa học.
Trong một bài viết trên Tạp chí Đạo đức Y khoa (Journal of Medical Ethics), Giáo sư Katrina Bramstedt làm việc tại Khoa Y và Khoa học Sức khỏe thuộc trường Đại học Bond ở Queensland (Australia) cảnh báo những nghiên cứu vội vàng hoặc không chính xác có thể khiến tính mạng con người gặp rủi ro. Bà nêu rõ: “Tác hại đối với người bệnh sẽ rất lớn, có thể là vĩnh viễn và không thể phục hồi nếu ứng dụng những kết quả nghiên cứu không chính xác từ các báo cáo công bố dưới hình thức sơ bộ trước khi chính thức xuất bản (chưa được đánh giá đối chiếu), cũng như các báo cáo đã được xuất bản”.
Số liệu thống kê cho thấy tính đến cuối tháng 7 vừa qua, đã có 19 báo cáo đã xuất bản và 14 báo cáo công bố dưới hình thức sơ bộ liên quan COVID-19 đã bị rút lại hoặc được gắn thẻ "quan ngại". Hầu hết các trường hợp này xảy ra ở châu Á, trong đó riêng Trung Quốc có 11 lần.
Một trong những trường hợp đáng chú ý nhất trong số này đó là nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa uy tín Lancet về hiệu quả của thuốc chống viêm khớp hydroxychloroquine trong việc điều trị bệnh nhân COVID-19.
Nghiên cứu được công bố vào tháng 5 vừa qua đã khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tạm ngừng thử nghiệm hydroxychloroquine sau khi kết quả cho thấy loại thuốc này không có tác dụng tích cực đối với những bệnh nhân nhập viện và trên thực tế có thể làm tăng nguy cơ tử vong. Nghiên cứu này đã bị rút lại sau khi một nhóm chuyên gia nêu lên "những lo ngại về cả phương pháp luận và tính toàn vẹn của dữ liệu" trong nghiên cứu này. Vào tháng 9, The Lancet cho biết tạp chí này đã củng cố hệ thống đánh giá đối chiếu để đảm bảo rằng các nghiên cứu đăng trên The Lancet sẽ có ý kiến đánh giá từ tối thiểu một chuyên gia trong lĩnh vực được đề cập.
Theo bà Bramstedt, các nhà khoa học đang chịu áp lực ngày càng lớn trong việc công bố kết quả nghiên cứu, khi thế giới chạy đua để tìm ra các phương pháp điều trị và bào chế vaccine hiệu quả trong phòng chống COVID-19. Bà cho biết: "Thông thường, tốc độ của các nghiên cứu này chỉ như một cuộc chạy marathon. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch, tốc độ đã được đẩy lên giống như trong cuộc đua nước rút... Không có nhóm nghiên cứu nào thoát được áp lực và đều bị cuốn vào tốc độ nghiên cứu về COVID-19 hiện nay. Và điều đó có thể làm tăng nguy cơ sai số, cũng như hành vi sai trái có chủ ý"
Thanh Phương