Những hoạt động thường ngày, từ đi làm đến mua sắm và đi học, đã hoàn toàn thay đổi trong đại dịch COVID-19.
Khi virus SARS-CoV-2 hoành hành trên toàn cầu, chính phủ các nước đã yêu cầu người dân hạn chế đi ra ngoài, buộc hàng tỷ người phải gấp rút làm quen với phương án làm việc tại nhà. Ngay cả khi các lệnh phong tỏa được nới lỏng, làm việc tại nhà/từ xa, dù chỉ trong một khoảng thời gian, vẫn là một phương án được nhiều doanh nghiệp chấp nhận. Theo công ty tư vấn Gartner, năm 2021, tỷ lệ người làm việc từ xa đạt 32%, tăng từ chỉ 17% vào năm 2019.
Sự lây lan của đại dịch COVID-19 cũng đưa thương mại điện tử “lên ngôi” khi các doanh nghiệp thuộc mọi ngành nghề phải nhanh chóng “xoay” sang bán hàng trực tuyến, từ các cửa hàng tạp hóa đến quần áo, đồ nội thất hay nhà hàng. Theo Chỉ số Kinh tế số của Adobe, doanh số bán hàng trực tuyến tăng 38% trong 3 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm trước. Khách hàng cũng đa dạng hơn khi có sự xuất hiện của các vị khách cao tuổi.
Trong khi đó, dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch, lữ hành khi các nước đóng cửa biên giới và áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại. Các chuyên gia cảnh báo ngành hàng không và đường sắt có thể sẽ không trở lại bình thường trước năm 2024. Đặc biệt, lưu lượng vận tải hàng không trên toàn thế giới giảm khoảng 66% trong năm 2020. Đến cuối năm 2021, con số này chỉ đạt 50% mức của năm 2019 do các biện pháp hạn chế đi lại vẫn còn được áp dụng ở nhiều quốc gia. Ngay cả khi việc đi lại, du lịch có sự khởi sắc, các sân bay vẫn chứng kiến hàng dài hành khách xếp hàng để xuất trình “thẻ thông hành vaccine” hay kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Các thành phố trên khắp thế giới cũng chứng kiến sự sụt giảm phương tiện giao thông công cộng lưu thông trên đường vì lo ngại virus lây lan và do nhiều người ở nhà hơn. Người dân ngày càng có xu hướng lựa chọn đi lại bằng các phương tiện cá nhân.
Ngành giáo dục cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch COVID-19. Khi người lớn ở nhà làm việc, hàng trăm triệu trẻ em, thanh thiếu niên cũng phải ở nhà học trực tuyến thông qua các nền tảng như Zoom hay Google Meet. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã gọi đại dịch là cuộc khủng hoảng giáo dục tồi tệ nhất từ trước đến nay. Hệ thống trường học ở hầu hết các quốc gia đều ít nhất phải đóng cửa hoàn toàn trong một khoảng thời gian. Những tác động tồi tệ nhất xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, nơi 53% trẻ em không thể đến trường. Ngân hàng Thế giới cảnh báo tỷ lệ đó có thể tăng lên 70%.
Không chỉ vậy, Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) cũng chỉ ra rằng đại dịch đã dẫn đến nạn đói gia tăng ở mức cao nhất nhất trên toàn thế giới trong 15 năm qua. Số người thiếu ăn đã tăng 18% so với năm ngoái. Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên hợp quốc cũng lưu ý có thêm 20 triệu người rơi vào cảnh nghèo cùng cực vào năm 2021. Đại dịch cũng khiến các hệ thống y tế của các nước rơi vào tình trạng quá tải, đồng thời làm chậm tiến độ của các chiến dịch xóa bỏ các căn bệnh khác đang hoành hành ở những nhóm dân số nghèo nhất thế giới, chẳng hạn như HIV/AIDS và bệnh lao.
Phương Oanh