Sau một loạt biện pháp kích cầu du lịch được triển khai, kỳ nghỉ 4 ngày dịp lễ 30/4-1/5 tới đây được dự báo lưu lượng người dân đi du lịch "giá rẻ" tăng cao, kéo theo nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 trong cộng đồng là rất lớn. Các cơ quan chức năng đặc biệt khuyến cáo, cùng với sự nỗ lực vào cuộc của các lực lượng tuyến đầu, các cấp chính quyền địa phương, mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, thi hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, để kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 thực sự an toàn và ý nghĩa!
Những ngày qua, thế giới đã phải chứng kiến sự gia tăng đáng kể các ca mắc mới, tử vong do dịch COVID-19. Bản tin sáng 28/4 của Bộ Y tế cho biết, trong 12h qua thế giới ghi nhận thêm hơn 718.000 ca mắc; số người tử vong tăng gần 10.800 ca.
Đặc biệt, tại Ấn Độ - đất nước bên bờ sông Hằng với những hình ảnh tang thương khiến cả thế giới bàng hoàng, đau xót khi trải qua đợt dịch bệnh vô cùng nghiêm trọng. Ngày 26/4, Ấn Độ ghi nhận trên 350.000 ca mắc mới và hơn 2.900 ca tử vong vì COVID-19.
Khu vực Đông Nam Á cũng đang lo ngại về sự lây nhiễm COVID-19 nghiêm trọng tại 3 quốc gia được coi là khá an toàn trong phòng, chống dịch năm 2020 và Lào, Campuchia và Thái Lan – những nước có chung đường biên giới hoặc ở gần Việt Nam.
Tại Việt Nam, tình hình dịch bệnh trong nước đến nay luôn được kiểm soát tốt, hầu như không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng. Hầu hết các trường hợp mắc COVID-19 đều là các ca nhập cảnh, được cách ly nghiêm ngặt. Nhưng đó cũng là lý do khiến người dân có cảm giác yên tâm, sinh ra tâm lý lơ là, chủ quan. Ngày càng nhiều người tham gia các hoạt động tập trung đông người nhưng lại “lười”, “ngại” đeo khẩu trang.
Lượng lớn người đổ về Đền Hùng vào dịp Giỗ tổ 10/3 âm lịch vừa qua là một ví dụ điển hình cho thấy nguy cơ dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu người dân không tuân thủ các biện pháp phòng bệnh. Kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 và nghỉ hè tới đây được dự báo là thời điểm người dân đi du lịch, di chuyển nhiều giữa các địa phương, nên nguy cơ lây nhiễm là rất lớn.
Một điểm đáng lo ngại là thời gian qua, rất nhiều người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam bằng đường biển, đường bộ. Thêm vào đó, nhiều công dân về từ vùng dịch đang cách ly tập trung. Nếu không kiểm soát tốt thì bất cứ lúc nào cũng có thể phát sinh ca nhiễm với biến chủng lây lan nhanh...
Kinh nghiệm phòng, chống dịch COVID-19 ở nước ta những đợt trước cho thấy, hiện nay phương pháp hiệu quả nhất vẫn là tiếp tục kiên trì nguyên tắc ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị hiệu quả. Mỗi người dân cần chủ động phòng bệnh bằng cách thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K của Bộ Y tế và tiêm vaccine.
Các chuyên gia đánh giá hành động của Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19 từ năm 2020 đến nay là đúng đắn. Bởi y tế Việt Nam chưa đủ mạnh, chỉ cần lơ là, mất kiểm soát dịch là hậu quả khôn lường, giường bệnh, cơ số thuốc, máy thở… sẽ không thể đáp ứng kịp việc cứu chữa các bệnh nhân nếu dịch lan rộng trong thời gian ngắn, lượng người mắc lớn.
Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 tới đây, để ngăn chặn dịch COVID-19 bùng phát, Bộ Y tế kêu gọi người dân hạn chế đến nơi công cộng, tập trung đông người; không được chủ quan, lơ là; luôn đề cao cảnh giác phòng, chống dịch. Đặc biệt, khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhập cảnh trái phép, người dân cần thông báo ngay cho chính quyền địa phương để tổ chức cách ly, xử lý kịp thời.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt nguyên tắc 5K (Khẩu trang -Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) để phòng, chống dịch COVID-19...
Tính đến cuối ngày 27/4, đã có thêm 59.056 người Việt Nam được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19; nâng tổng số người được vaccine bảo vệ lên tới 318.792 người. Các địa phương đã nỗ lực đẩy nhanh quá trình tiêm chủng, đảm bảo an toàn và đúng đối tượng.
Trong cuộc họp mới đây nhất, các thành viên Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã đề nghị Bộ Y tế có giải pháp đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 trong nước. Đồng thời Bộ Y tế khẩn trương, tích cực đàm phán các nguồn vaccine nước ngoài, đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước trên tinh thần "vaccine là phương tiện chống dịch hiệu quả, cố gắng có vaccine sớm nhất có thể và tiêm cho người dân với tỷ lệ cao nhất có thể".
Trong bối cảnh thực hiện mục tiêu kép, cả nước luôn phải trong tình trạng sẵn sàng chống dịch COVID-19 với tinh thần cảnh giác cao độ nhưng các hoạt động sản xuất, kinh doanh, văn hóa, du lịch… cần được duy trì ở mức độ an toàn cho cộng đồng. Quan trọng hơn cả là mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, chủ động phòng dịch bằng cách thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng, bảo vệ thành quả chống dịch của đất nước…
Thanh Giang