Nuôi giấu cán bộ cách mạng
Di tích lịch sử cách mạng nhà cụ Đám Thi là ngôi nhà cổ của gia đình cụ, nơi sinh sống của các con, cháu cụ hiện nay. Ngôi nhà gồm 5 gian nhà chính (nay là nơi thờ tự), 3 gian nhà khách, 3 gian nhà kho, nhà bếp và công trình phụ khép kín. Đặc biệt, gần nhà chính và nhà khách là căn nhà gác 2 tầng, có thiết kế cao hơn hẳn những ngôi nhà khác trong xóm. Đứng trên gác có thể quan sát được khắp các lối đi, đường ngang, ngõ dọc vào nhà. Đây là cơ sở lý tưởng vừa để họp bàn và nhanh chóng trốn thoát từ cửa sổ tầng 2 khi có báo động. Bởi vậy, Thường vụ Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc kỳ đã chọn làm cơ sở hoạt động cách mạng.
Di tích nhà cụ Đám Thi.
|
Năm nay đã 91 tuổi, bà Nguyễn Thị Bình (Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh), con gái cụ Đám Thi, vẫn nhớ như in ngày các đồng chí lãnh đạo cách mạng Trung ương về hoạt động. Ngày đó, cả gia đình bà gồm hơn 10 thành viên, đều có cảm tình với cách mạng. Đàn ông trong nhà trực tiếp hoạt động cách mạng, phụ nữ làm công tác giao liên, nuôi giấu cán bộ cách mạng. Trong giai đoạn 1940 - 1945, gia đình bà đã nuôi giấu an toàn nhiều cán bộ cách mạng Trung ương như: Đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Văn Thụ, Văn Tiến Dũng, Phan Đăng Lưu...
Theo tài liệu của Ban quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh, với vị trí đặc biệt quan trọng, Di tích lịch sử cách mạng nhà cụ Đám Thi được Trung ương Đảng chọn là nơi diễn ra nhiều hội nghị quan trọng quyết định phong trào cách mạng cả nước. Từ ngày 6 - 9/11/1940, tại căn nhà gác (nhà cụ Đám Thi), Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã họp Hội nghị lần thứ VII. Đêm ngày 9/3/1945, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương mở rộng đang họp tại chùa Đồng Kỵ nhưng do sợ bị lộ đã được chuyển đến nhà thờ dòng họ Nguyễn Tiến (tại nhà cụ Đám Thi). Tại đây, Trung ương Đảng cho ra bản Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta". Bản Chỉ thị đã làm kim chỉ nam cho mọi hành động của toàn Đảng, toàn dân ta trong cao trào kháng Nhật cứu nước đi đến thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945. Với ý nghĩa to lớn đó, nhà cụ Đám Thi được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử cách mạng quốc gia năm 1979.
Cần bảo tồn di tích
Cùng với những biến động của thời gian, di tích đang ngày một xuống cấp. Theo chị Phí Thị Thu Phương, trực tiếp trông nom Di tích lịch sử cách mạng nhà cụ Đám Thi, dù đây là di tích nổi tiếng nhưng cả đoạn đường dẫn vào di tích không có 1 biển thông báo, gây khó khăn lớn cho khách thập phương đến tìm hiểu di tích và quảng bá ý nghĩa di tích đến đông đảo nhân dân. Bên cạnh đó, do di tích nhà cụ Đám Thi đã nhiều năm chưa được tu sửa nên đến nay hầu hết các hạng mục của công trình đều bị xuống cấp. Toàn bộ công trình trong di tích chủ yếu được làm bằng gỗ đều bị mối, mọt làm tổ. Hệ thống mái ngói lộn xộn, vỡ nhiều nên dù trời mưa nhỏ cũng bị dột, gây hỏng hóc những hiện vật trong nhà.
Ông Nguyễn Hữu Mạo, Giám đốc Ban quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh cho biết: Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của các di tích lịch sử, cách mạng, Bắc Ninh đang tiếp tục thực hiện Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng. Với Di tích lịch sử, cách mạng nhà cụ Đám Thi, Ban quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh sẽ tiến hành khảo sát và trình các cấp có thẩm quyền trùng tu, tôn tạo theo quy định của pháp luật nhằm gìn giữ, bảo tồn phát huy giá trị một cách tốt nhất.