Dự án nhà ở xã hội Ecohome3 đang khẩn trương thi công. Ảnh: Nguyễn Thắng - TTXVN |
Đây là một trong những chỉ đạo của ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội tại phiên họp thường kỳ Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội quý II/2019 diễn ra ngày 10/7. Để hoàn thành kế hoạch tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm 2019, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng yêu cầu Ban điều hành chủ động làm việc với các bộ, ngành để bố trí đủ nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện cho vay các chương trình tín dụng chính sách. Bên cạnh đó, chủ động tổ chức huy động vốn theo kế hoạch đã giao nhằm đáp ứng nhu cầu giải ngân các chương trình tín dụng. Đặc biệt với những nhu cầu vay vốn bức thiết mới phát sinh như người chăn nuôi thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi, cháy rừng tại một số tỉnh miền Trung, trồng tiêu ở khu vực Tây Nguyên... Ngân hàng Chính sách Xã hội chủ động, linh hoạt giải quyết cho vay nhằm giúp bà con tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, chuyển đổi mô hình chăn nuôi. Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng đề nghị Ban điều hành tiếp tục tham mưu cho các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách, thực hiện có hiệu quả hơn nữa Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; trong đó chú trọng cân đối, bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách Xã hội bổ sung nguồn vốn cho vay. Đồng thời chỉ đạo các chi nhánh thực hiện sơ kết 5 năm tình hình thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng theo các kế hoạch của Ban Kinh tế Trung ương đã đề ra. Theo Ngân hàng Chính sách Xã hội, đến ngày 30/6/2019, tổng nguồn vốn hoạt động tín dụng chính sách đạt 207.217 tỷ đồng, tăng 12.796 tỷ đồng so với năm 2018, đảm bảo khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, đáp ứng kịp thời nhu cầu giải ngân các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 198.505 tỷ đồng, tăng 10.713 tỷ đồng so với 31/12/2018 với hơn 6,6 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang được vay vốn. Dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 173.855 tỷ đồng, tăng 8.714 tỷ đồng so với năm 2018, hoàn thành 66% kế hoạch. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,78% tổng dư nợ; trong đó nợ quá hạn chiếm 0,39% tổng dư nợ. Hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho gần 113.000 lao động; trong đó hơn 3.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 8.000 lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng hơn 757.000 công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng hơn 10 nghìn căn nhà ở cho các đối tượng chính sách.
Đỗ Huyền