Đề án “Ổn định đời sống và phát triển kinh tế - xã hội đồng bào Khơ Mú tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”

Đề án “Ổn định đời sống và phát triển kinh tế - xã hội đồng bào Khơ Mú tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”
Đề án xác định mục tiêu đến năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo ở 2 bản từ 6 - 7%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt 16 triệu đồng/người/năm. Số tiêu chí nông thôn mới đạt từ 10 tiêu chí trở lên… Đề án cũng phấn đấu đến năm 2020 sẽ hỗ trợ xây dựng nhà bán kiên cố cho 103 hộ đồng bào Khơ Mú đang ở nhà tranh tre, nhà tạm bợ, định mức hỗ trợ là 16 triệu đồng/hộ; hỗ trợ gần 500 triệu đồng cho 234 hộ di chuyển chuồng trại, nhà vệ sinh ra xa nơi ở. Đề án cũng sẽ đầu tư xây dựng 2 nhà y tế thôn bản, nhà ở cho cán bộ y tế và các công trình phụ trợ phục vụ công tác khám chữa bệnh ban đầu cho người dân…. 
 
Điệu múa Tầm Dao của dân tộc Khơ Mú. Ảnh: Thanh Hà- TTXVN
Điệu múa Tầm Dao của dân tộc Khơ Mú. Ảnh: Thanh Hà- TTXVN

Theo ông Lương Văn Tưởng, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa: Dân tộc Khơ Mú là một cư dân lâu đời ở vùng núi rừng Tây Bắc Việt Nam và khu vực bắc Trung bộ. Tập trung ở các tỉnh từ Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Sơn La đến Thanh Hóa và Nghệ An. Người Khơ Mú ở Thanh Hóa trước đây sống du canh du cư. Thực hiện cuộc vận động định canh định cư, từ năm 1994 đến nay, đồng bào đã định cư tập trung tại bản Đoàn Kết (xã Tén Tằn) và bản Lách (xã Mường Chanh) thuộc huyện Mường Lát. Hiện nay, dân tộc Khơ Mú ở tỉnh Thanh Hóa có 179 hộ, 978 khẩu, chiếm 2% dân số toàn tỉnh. Do đặc điểm đồng bào sinh sống phân tán ở vùng sâu, thiếu đất sản xuất lương thực và khó tiếp cận được với lương thực bên ngoài, vì vậy giải quyết lương thực tại chỗ có ý nghĩa quan trọng để ổn định đời sống. 

Để thực hiện hiệu quả Đề án, UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo huyện Mường Lát tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Khơ Mú tích cực tham gia thực hiện Đề án bằng nhiều hình thức phong phú để phù hợp với trình độ dân trí, văn hóa giao tiếp của đồng bào về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. UBND huyện Mường Lát căn cứ vào nội dung Đề án hướng dẫn đồng bào phát triển sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, hỗ trợ các gia đình khai hoang làm ruộng nước, xây dựng đồng ruộng cân đối chuyển nương rẫy quảng canh thành nương rẫy định canh; thực hiện kỹ thuật canh tác bền vững trên đất dốc. Huyện tăng cường công tác đào tạo, tập huấn và nâng cao năng lực cho cán bộ thôn, bản của các bản Khơ Mú; thường xuyên kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện các mục tiêu của Đề án. Huyện ưu tiên sử dụng và bố trí việc làm cho con em đồng bào Khơ Mú sau khi tốt nghiệp các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp về địa phương... 



 

Có thể bạn quan tâm