Dạy tiếng Ê-đê ở trường phổ thông - những điều còn trăn trở

Dạy tiếng Ê-đê ở trường phổ thông - những điều còn trăn trở

Quy mô trường, lớp mở rộng

Trong nỗ lực bảo tồn tiếng nói, cũng như bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Êđê, từ năm học 1980-1981, ngành Giáo dục tỉnh Đắk Lắk đã đưa môn học tiếng Êđê vào giảng dạy tại một số trường phổ thông trong tỉnh. Tuy nhiên việc dạy tiếng mẹ đẻ cho HS dân tộc Êđê thực sự khởi sắc và thay đổi về mọi mặt kể từ khi Đề án dạy tiếng Êđê trong trường phổ thông giai đoạn 2010-2015 (Đề án) được triển khai. Nếu năm học 2010-2011, toàn tỉnh có 76 trường tiểu học, 497 lớp và 11.052 HS học tiếng Êđê, thì năm học 2015-2016 tăng thêm 30 trường, 133 lớp, 1737 HS; giáo viên tăng 58 người. Với bậc trung học cơ sở (THCS) có 13 trường phổ thông dân tộc nội trú, với 38 lớp tổ chức dạy tiếng Êđê cho 1.378 HS (duy nhất trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Lắk không triển khai dạy tiếng Êđê do phần lớn HS dân tộc thiểu số là người M’nông).
 

Học tốt tiếng mẹ đẻ là nền tảng giúp các em học sinh dân tộc thiểu số học tập tốt hơn (ảnh minh họa).
Học tốt tiếng mẹ đẻ là nền tảng giúp các em học sinh dân tộc thiểu số học tập tốt hơn (ảnh minh họa).


Cùng với mở rộng quy mô trường, lớp, ngành Giáo dục đã mở các lớp ngắn hạn bồi dưỡng phương pháp dạy tiếng Êđê cho 224 giáo viên; đào tạo cử tuyển tiếng Êđê cho 52 giáo viên đang công tác tại các trường tiểu học có đông HS dân tộc Êđê. Đồng thời phối hợp với Viện Ngôn ngữ và Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam cùng nghiên cứu, biên soạn sách giáo khoa cấp tiểu học thay thế cho sách thực nghiệm, sách ngữ pháp, sách bổ trợ (vở bài tập, vở tập viết, truyện đọc) và sách từ điển Êđê-Việt giúp giáo viên, HS học tốt tiếng Êđê. Bà H’Yim K’đoh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Lắk cho biết: “Để nâng cao chất lượng dạy tiếng Êđê trong trường phổ thông, Sở GD-ĐT đã đẩy mạnh công tác quản lý; đổi mới phương pháp dạy học ở các trường tiểu học; thực hiện sinh hoạt tổ chuyên môn. Đặc biệt nhiều phòng GD-ĐT linh hoạt hơn trong quản lý, chỉ đạo dạy và học phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương”. Đơn cử như Phòng GD-ĐT huyện Krông Ana, những năm đầu thực hiện Đề án đã tham mưu cho huyện cấp thêm cho mỗi lớp dạy tiếng Êđê 5 triệu đồng/năm; sau đó do tài chính khó khăn nên mức hỗ trợ giảm còn 4-5 triệu đồng/năm học/trường. Đến năm học này huyện Krông Ana có 10 trường tiểu học, với 54 lớp dạy tiếng Êđê cho 1.141 HS, tăng 5 trường, 5 lớp và 477 HS so với năm học 2010-2011. Hay như Phòng GD-ĐT huyện Krông Pắc vào đầu năm học chỉ đạo các trường khảo sát, điều tra số HS dân tộc Êđê trong độ tuổi đến trường và những trường có 20 HS ở mỗi khối lớp sẽ tổ chức dạy. Không những vậy, phòng còn tranh thủ nguồn kinh phí các chương trình mục tiêu, dự án đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho các trường tổ chức dạy tiếng Êđê. Bà H’Yer Knul, Phó Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Krông Pắc cho biết: “Đến nay, có 14/15 trường tiểu học, 42 lớp dạy tiếng Êđê cho 1.522 HS. Thực tế cho thấy, HS dân tộc Êđê được học tiếng nói, chữ viết của mình thích đến trường hơn, không còn rụt rè, nhờ đó chất lượng học tiếng Việt và các môn học khác được cải thiện”.

Cần nâng cao chất lượng dạy tiếng Êđê

Nhiều băn khoăn xung quanh việc dạy tiếng Êđê trong trường phổ thông được đại diện các phòng GD-ĐT, lãnh đạo một số trường tổ chức dạy tiếng Êđê đặt ra tại Hội nghị tổng kết thực hiện Đề án diễn ra cuối tháng 12-2015. Mặc dù quy mô trường, lớp dạy tiếng Êđê ở cấp tiểu học tăng 5% so với chỉ tiêu Đề án nhưng so với nhu cầu thực tế vẫn còn 40 trường (chiếm 27,6%) có đông HS dân tộc Êđê chưa tổ chức dạy tiếng mẹ đẻ. Tỷ lệ HS học tiếng Êđê chưa hoàn thành nhiệm vụ ở bậc tiểu học chiếm 2,35% và tỷ lệ HS xếp loại học lực trung bình, yếu ở bậc trung học cơ sở chiếm hơn 46%... là rất đáng quan ngại. Chưa hết, hiện nay bậc tiểu học đang thực hiện cùng lúc nhiều mô hình, đề án, do đó các trường rất khó bố trí chuyên môn. Ông Đoàn Hữu Việt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến (xã Ea Sol, huyện Ea H’leo) cho rằng: “Nhu cầu học Ngoại ngữ, Tin học của học sinh rất lớn; trong khi với đặc thù của một trường có hơn 60% HS là người dân tộc thiểu số thì môn tiếng Êđê quan trọng không kém, nhưng với quy định số buổi, số tiết/tuần của Bộ GD-ĐT hiện nay, các trường không thể bố trí chuyên môn. Nếu huy động HS đi học vào thứ 7, chủ nhật rất khó duy trì sĩ số”. Ông Nguyễn Văn Lỡi, Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Krông Ana bổ sung: “Nếu giảm số tiết phụ đạo các môn Toán, tiếng Việt để dạy các môn tự chọn, trong đó có môn tiếng Êđê sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục đại trà”.
 

Sở GD-ĐT tặng Giấy khen cho các tập thể, cá nhân thực hiện tốt việc triển khai dạy tiếng Êđê trong trường phổ thông giai đoạn 2010-2015.
Sở GD-ĐT tặng Giấy khen cho các tập thể, cá nhân thực hiện tốt việc triển khai dạy tiếng Êđê trong trường phổ thông giai đoạn 2010-2015.


Ngoài những khó khăn trên, việc dạy tiếng Êđê tại các trường học trên địa bàn vẫn còn nhiều bất cập như: chưa có bộ sách giáo khoa chính thức dành cho bậc học trung học cơ sở; đội ngũ giáo viên dạy tiếng Êđê được đào tạo đúng chuyên môn vẫn còn thiếu; chậm có các đề tài khoa học nghiên cứu về tâm lý học sinh dân tộc thiểu số… Bà Nay H’Ban, Trưởng Ban nghiên cứu giáo dục HS dân tộc tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Việc dạy tiếng Êđê ở cấp tiểu học đã ổn định. Cũng như đối với cấp tiểu học, đơn vị đã nghiên cứu, biên soạn bộ sách giáo khoa dành cho bậc THCS để các trường giảng dạy. Mong rằng các bộ, ngành chức năng sớm nghiên cứu, thẩm định, ban hành bộ sách giáo khoa dành cho bậc học trung học cơ sở; sớm mở mã ngành giáo viên dạy tiếng Êđê ở các trường cao đẳng sư phạm, đại học trên địa bàn tỉnh để thuận tiện trong việc tuyển sinh, biên soạn giáo trình đào tạo, cấp văn bằng… nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy tiếng Êđê trong trường phổ thông”.

Báo Điện tử Đắk Lắk

Có thể bạn quan tâm