"Đánh thức" tiềm năng du lịch sinh thái Bạch Mã

"Đánh thức" tiềm năng du lịch sinh thái Bạch Mã
Để có cơ sở quản lý, bảo tồn và khai thác phát huy các giá trị của Vườn Quốc gia Bạch Mã, đồng thời tạo cơ sở pháp lý nhằm thu hút các nhà đầu tư kinh doanh, phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tiến hành quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái Bạch Mã. Theo đó, tỉnh quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái Bạch Mã trên khoảng 387,8 ha, bao gồm 2 khu chức năng. Khu A, được thiết kế là khu vực trạm cơ sở và hạ tầng giao thông có diện tích khoảng 97,8 ha, bao gồm 3 phân khu: Tuyến giao thông tiếp cận đến dự án, điểm đầu tuyến từ ngã ba giao cắt Quốc lộ 1A đến điểm cuối tuyến là trạm cơ sở khu vực Khe Su; trạm cơ sở khu vực Khe Su với diện tích nghiên cứu khoảng 64,1 ha, là nơi đón tiếp khách du lịch và nơi đặt nhà ga cáp treo; tuyến cáp treo du lịch đi từ trạm cơ sở (khu A) lên đỉnh Bạch Mã (khu B) có chiều dài dự kiến 4 km với hành lang bảo vệ khoảng 26 m.
 
Ảnh: news.zing.vn
Ảnh: news.zing.vn

Khu B, được quy hoạch là khu du lịch sinh thái đỉnh Bạch Mã, phạm vi diện tích nghiên cứu khoảng 290 ha, với các chức năng chính là đón tiếp, hội thảo, triển lãm, dịch vụ thương mại (lưu trú, nghỉ dưỡng, ẩm thực, giải khát...); các không gian hoạt động ngoài trời (phố đi bộ, tuyến tham quan, tuyến hành hương, lễ hội, tín ngưỡng tâm linh, thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên); hành chính, điều hành (nhà điều hành, nhà nhân viên...) và chức năng phụ trợ kỹ thuật (trạm điện, trạm nước, khu tập kết rác thải). Phân khu chức năng khu B bao gồm: Khu làng du lịch đỉnh núi, khu làng du lịch di sản, khu làng trung tâm, khu du lịch tâm linh, khu dịch vụ phụ trợ, khu làng du lịch thung lũng thác nước, khu cảnh quan tự nhiên.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, Vườn Quốc gia Bạch Mã nằm trong số những khu vực bảo tồn tự nhiên lớn nhất và quan trọng nhất tại Việt Nam. Trong khi đó, Vườn Quốc gia Bạch Mã có thể được xem là "Nàng công chúa ngủ quên" trên đất Cố đô với những tiềm năng và thế mạnh độc đáo về du lịch sinh thái. Ngoài sự cần thiết của việc triển khai thực hiện quy hoạch và hình thành các khu du lịch tại khu vực Bạch Mã, các ngành và đơn vị liên quan tập trung đánh giá sự tác động, ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan, khả năng đáp ứng tổng số lượng khách theo quy hoạch; đồng thời đánh giá tác động môi trường của việc triển khai thực hiện quy hoạch và giải pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả nhất. Tỉnh chú trọng phát huy tối đa giá trị về cảnh quan, môi trường, đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Bạch Mã; sử dụng một cách hợp lý, gắn kết với các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương một cách bền vững thông qua phát triển du lịch sinh thái.

Tọa lạc trên vùng núi cao với khí hậu mát mẻ và mưa nhiều, nơi đây còn lưu giữ cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ và hùng vĩ. Vườn quốc gia Bạch Mã đã được Chính phủ phê duyệt thành lập vào năm 1991, có diện tích 22.031 ha và vùng đệm 21.300 ha. Năm 2008, Vườn quốc gia Bạch Mã được Thủ tướng điều chỉnh mở rộng với tổng diện tích từ hơn 22.000 ha lên gần 37.500 ha. Toàn bộ vườn và vùng đệm nằm trên địa phận hành chính của 9 xã, 2 thị trấn thuộc huyện Phú Lộc, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế và huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Phía Bắc và Đông Bắc của vườn có đầm Cầu Hai, đầm An Cư; phía Nam, Tây Nam vườn nối dài với phần đuôi của dãy Trường Sơn Bắc cao khoảng 1.000-1.300 m (chỗ núi Mang cao tới 1.702 m).

Vườn quốc gia Bạch Mã có hầu hết các đỉnh núi cao từ 1.000-1.444 m. Thảm thực vật ở đây khá phát triển, thuộc kiểu rừng kín thường xanh mưa mùa cận nhiệt đới (á nhiệt đới) ở địa hình cao trên 1.000 m và kiểu rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới trên địa hình dưới l.000 m. Nhờ vị trí địa lý thuận lợi, địa hình núi cao, lớp phủ thực vật rừng dày nên chế độ nhiệt ẩm Vườn quốc gia Bạch Mã tương đối ổn định: Nhiệt độ trung bình năm 16-22 độ C, tháng lạnh nhất 5-8 độ C, tháng nóng nhất không vượt quá 25 độ C, lượng mưa trung bình năm lớn nhất Việt Nam, phổ biến là 3.400-4.000 mm/năm, đôi khi lớn hơn, thậm chí đến 9.000 mm/năm.

Vườn quốc gia Bạch Mã có tới 16.900 ha rừng nguyên sinh che phủ. Trong rừng có 1406 loài thực vật, trong đó có nhiều loại gỗ quý như: Trò chỉ, kiền, giẻ hương, gõ, tùng..., nhiều cây đường kính 80 - 100 cm; trên 300 loài cây thuốc quý như: Ba gạc, bình vôi, lá khôi, cây 7 lá 1 hoa... Hệ động vật ở Bạch Mã có tới 931 loài, bao gồm 83 loài thú, trong đó nhiều loài quý hiếm như: Gấu, báo, hổ, sao la...; 333 loài chim, 31 loài bò sát, 21 loài ếch nhái, 39 loài cá, 218 loài bướm, 178 loài côn trùng cánh cứng ăn lá, 28 loài mối. Ðặc biệt, Bạch Mã là nơi cư trú của loài chim quý như trĩ sao và gà lôi lam mào trắng.

Đến vườn quốc gia Bạch Mã, du khách có dịp khám phá những tuyến đường mòn thiên nhiên kỳ thú, như đường mòn Trĩ Sao dẫn đến thác Trĩ Sao - nơi có nhiều chim trĩ sao sinh sống; đường mòn Đỗ Quyên dẫn đến thác Đỗ Quyên; đường mòn Ngũ Hồ dẫn đến 5 hồ nước nằm nối tiếp nhau được hình thành từ một con suối lớn; đường mòn Vọng Hải Đài dẫn đến đài ngắm cảnh trên đỉnh Bạch Mã. Đứng từ đây, du khách có thể ngắm toàn cảnh đèo Hải Vân, núi Túy Vân, đầm Cầu Hai, cửa Tư Hiền, vịnh Chân Mây sát bờ biển Ðông và cả không gian huyền ảo, lắng đọng của thành phố Huế và thành phố Đà Nẵng lúc đêm về. Ngoài ra, du khách có thể khám phá đường mòn dài 300 m xuyên qua rừng chò đen, nơi có khá nhiều cây cổ thụ, nhiều cây có đường kính trên 1 m và cao tới hơn 30 m. Không chỉ có vậy, vườn quốc gia Bạch Mã còn có khu vườn sưu tập lan – nơi tập trung hàng trăm loài hoa lan với nhiều màu sắc và kiểu dáng độc đáo.

Trước đây, vào năm 1932, người Pháp đã cho xây dựng tại Bạch Mã một khu nghỉ mát lớn nằm ở độ cao từ 1.000 - 1.444 m so với mực nước biển. Khu nghỉ mát có 139 biệt thự, chợ, ngân hàng, bưu điện, hồ bơi, sân quần vợt và một hệ thống đường dài 19km nối quốc lộ 1A với khu trung tâm Bạch Mã. Hiện nay, khu biệt thự cổ đã được Ban Quản lý vườn quốc gia Bạch Mã cho trùng tu, tôn tạo thành khu nghỉ dưỡng cho du khách, mang tên Đỗ Quyên, Sao La, Kim Giao... Những ngôi biệt thự này vẫn lưu giữ nét kiến trúc kiểu Pháp, thường chỉ cao 2 tầng, có cầu thang vòng và hành lang khá rộng, cửa sổ lớn hướng ra phía đỉnh núi tạo không gian thoáng đãng, vừa cổ kính vừa hiện đại.

Thời gian đẹp nhất để du khách đến thưởng ngoạn Bạch Mã là vào mùa hạ và đầu mùa thu, bởi thời điểm này không khí mát mẻ, thậm chí hơi se lạnh khiến hành trình khám phá, chinh phục của du khách trở nên thi vị hơn. Ở đây, thắng cảnh và di tích hòa quyện vào nhau tạo thành một nét duyên riêng rất thú vị.
Quốc Việt
TTXVN

Có thể bạn quan tâm