Ngày 17/8, tại Nhà Quốc hội, khi cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu nghiên cứu, rà soát, đánh giá cẩn thận, làm rõ nguyên nhân nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, xác định được đối tượng để có đề xuất giải pháp tháo gỡ giúp bảo vệ quyền và lợi chính đáng người lao động.
Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tăng
Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến hết năm 2020, tổng số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội là 16.161.789 người, tăng 2,5% so với năm 2019. Tuy nhiên, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc giảm 1,12% so với năm 2019. Số người tham gia bảo hiểm tự nguyện tăng 2,1% so với năm 2019. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 13.320.231 người, giảm 0,54% so với năm 2019 và chiếm tỷ lệ khoảng 27,57% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Số thu bảo hiểm xã hội năm 2020 đạt hơn 263.949 tỷ đồng, đạt kế hoạch đề ra. Trong đó, thu bảo hiểm xã hội bắt buộc gần 259.887 tỷ đồng, thu bảo hiểm xã hội tự nguyện hơn 4.062 tỷ đồng. Số thu bảo hiểm thất nghiệp hơn 18.714 tỷ đồng, vượt 4,3% kế hoạch.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội nhận thấy, việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội năm 2020 đạt 95,71% chỉ tiêu đề ra của Nghị quyết số 28-NQ/TW là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của Chính phủ. Tuy nhiên, nếu không có giải pháp phù hợp sẽ khó đạt được mục tiêu đến năm 2021 có 35% và đến năm 2025 có 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội.
Về số thu của bảo hiểm xã hội bắt buộc, Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, số thu năm 2020 tăng 5,54% nhưng tốc độ tăng thấp hơn so với tốc độ tăng thu của năm 2019. Mức lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm thất nghiệp tăng không đáng kể, tỷ lệ tăng có xu hướng giảm so với giai đoạn trước. Tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện có xu hướng giảm nhanh.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao việc phát triển rất nhanh quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện, cho rằng đây là công lao rất lớn của Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ y tế.
Nghiên cứu, rà soát để có giải pháp tháo gỡ nợ đóng bảo hiểm xã hội
Theo báo cáo của Chính phủ, đến cuối năm 2020, tổng số tiền nợ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 11.666 tỷ đồng, tăng 1.566 tỷ đồng so với 2019, chiếm 4,2% số phải thu (trong đó nợ lãi chậm đóng chiếm khoảng 26% tổng số nợ).
Thường trực Ủy ban Xã hội dự báo, số nợ đóng, chậm đóng dự báo có thể tiếp tục có xu hướng gia tăng trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cần tính toán về hệ quả pháp lý đối với chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất khi triển khai các gói hỗ trợ của Chính phủ với các đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong trường hợp doanh nghiệp không có khả năng đóng bù sau khi hết thời hạn được tạm dừng đóng.
Theo Chủ tịch Quốc hội, nhược điểm, hạn chế của quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc gần như lặp đi lặp lại với các vấn đề như trốn đóng, nợ đóng, trục lợi, hiệu quả thanh tra-kiểm tra còn thấp… Do đó, cần rà soát lại trách nhiệm quản lý của các cơ quan hữu quan, Chủ tịch Quỹ trong quản lý, trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật đối với các quỹ bảo hiểm xã hội, tránh tiêu cực, trục lợi.
Nhấn mạnh nguyên tắc trong bảo hiểm xã hội là đóng-hưởng, có đóng thì có hưởng, ai đóng thì người đó hưởng, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ tầm quan trọng của việc tăng cường hơn nữa kỷ cương trong quản lý quỹ bảo hiểm xã hội, sớm sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình nợ chậm đóng bảo hiểm xã hội là phải nghiên cứu, rà soát, đánh giá cẩn thận, làm rõ nguyên nhân nợ, xác định được đối tượng, cả người sử dụng lao động và người lao động có liên quan, nhất là các nhóm đối tượng có sử dụng ngân sách nhà nước để có đề xuất giải pháp tháo gỡ giúp bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, tiếp thu để hoàn thiện báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020 để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2. Các thông tin, dữ liệu phải có tính chất nhất quán, giải thích rõ, có phân tích, có đánh giá với các chỉ tiêu cụ thể để bảo đảm thống nhất giữa các cơ quan và khách quan, chính xác.
PV