Bảo vệ tối đa quyền lợi cho người lao động và người sử dụng lao động trong bối cảnh dịch COVID-19

Bảo vệ tối đa quyền lợi cho người lao động và người sử dụng lao động trong bối cảnh dịch COVID-19

Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết đã triển khai đồng loạt các giải pháp để hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 như: đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ trong ngày… Một trong các giải pháp quyết liệt, hiệu quả được cơ quan này tập trung đẩy mạnh triển khai, đó là ứng dụng công nghệ thông tin trong hàng loạt dịch vụ công và các quy trình, phần mềm nghiệp vụ của ngành.

Bảo vệ tối đa quyền lợi cho người lao động và người sử dụng lao động trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh 1Thu hoạch trứng gà cung cấp cho thị trường tại một trang trại ở huyện Quốc Oai, Hà Nội. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Giải pháp này đặc biệt phát huy hiệu quả, góp phần hạn chế tiếp xúc, tránh lây lan dịch trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội. Nhờ đó, các chính sách hỗ trợ thiết thực của Chính phủ đã được đưa đến với người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch một cách kịp thời, thuận lợi, đơn giản nhất.

Bổ sung, điều chỉnh kịp thời quy trình nghiệp vụ, cung cấp dịch vụ công trực tuyến


Để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động và người sử dụng lao động trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ động, tích cực xây dựng quy trình, điều chỉnh phần mềm nghiệp vụ nhằm bổ sung các chức năng, đáp ứng kịp thời việc triển khai chính sách hỗ trợ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Chẳng hạn như, các chức năng quản lý đơn vị giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; xác nhận danh sách người lao động tham gia theo hồ sơ quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg do đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân gửi qua Cổng Dịch vụ công quốc gia; quản lý đơn vị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; chuyển kinh phí hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề...

Đồng thời, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đẩy mạnh triển khai cung cấp các dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công của ngành tại địa chỉ https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn và yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ kê khai bảo hiểm xã hội điện tử (I-VAN) cung cấp trên các phần mềm của I-VAN, gồm 6 dịch vụ công: tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất (đã cung cấp từ tháng 4/2020 theo quy định của Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19); hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất và giải quyết giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Kết nối, tích hợp cung cấp 5 dịch vụ công hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động và người sử dụng lao động trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan, kết nối, tích hợp cung cấp 5/7 dịch vụ công trực truyến hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Các dịch vụ này bao gồm: Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; ngừng việc; người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất.

Để sử dụng các dịch vụ công này, người lao động và người sử dụng lao động đăng nhập Cổng Dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ https://www.dichvucong.gov.vn, vào mục “Hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19”. Quy trình thực hiện 5 dịch vụ công này trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đã được đơn giản tối đa, người lao động và người sử dụng lao động đăng nhập, khai và nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (trừ các thành phần hồ sơ, dữ liệu đã được Cổng dịch vụ công quốc gia kết nối, chia sẻ với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, các biểu mẫu sẽ được điện tử hóa).

Cổng Dịch vụ công quốc gia chuyển dữ liệu đã được ký số đến cơ quan Bảo hiểm xã hội xác nhận. Sau khi nhận được xác nhận (ký số) của cơ quan Bảo hiểm xã hội, Cổng Dịch vụ công quốc gia có trách nhiệm chuyển hồ sơ trực tuyến của người lao động và người sử dụng lao động đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết trên hệ thống một cửa điện tử cấp tỉnh hoặc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội. Trường hợp hệ thống một cửa cấp tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu cho phép tiếp nhận hồ sơ trực tuyến, cơ quan có thẩm quyền giải quyết thực hiện việc tiếp nhận và cập nhật trạng thái, kết quả giải quyết theo tài khoản do Cổng Dịch vụ công quốc gia cấp.

Chủ động chia sẻ dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19

Thực hiện Nghị định số 43/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông để sớm xây dựng, ban hành quy chuẩn quốc gia về cấu trúc dữ liệu trao đổi với Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm. Trong thời gian chờ ban hành quy chuẩn, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, nhiều tỉnh, thành phố có nhu cầu khai thác dữ liệu, xác thực thông tin người tham gia, người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ động thực hiện cung cấp kịp thời các thông tin này để các địa phương sử dụng vào công tác lập danh sách xét nghiệm, danh sách tiêm chủng vaccine, xác định thông tin bệnh nền, theo dõi, truy vết nhanh các trường hợp F0; khoanh vùng, dập dịch tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, đơn vị sử dụng lao động...

Để tiếp tục hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19, ngày 30/7, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành Công văn số 2268/BHXH-CNTT yêu cầu Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông đề xuất chia sẻ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm qua Trục tích hợp quốc gia (NGSP) của Bộ Thông tin và Truyền thông phục vụ nhu cầu cấp bách của việc phòng chống dịch, báo cáo UBND tỉnh, thành phố, Ban Chỉ đạo chống dịch của tỉnh, thành phố.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên cả nước, việc thực hiện các thủ tục hành chính thông qua Cổng Dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Cổng Dịch vụ công quốc gia đã giải quyết nhanh chóng, kịp thời, công khai, minh bạch, chính xác, đúng người hưởng, không bị trùng lặp, không có tình trạng trục lợi chính sách; giảm việc đi lại, tiếp xúc của người dân và doanh nghiệp với cơ quan Bảo hiểm xã hội trong việc giải quyết chế độ, chính sách, nhằm hạn chế khả năng lây lan dịch.

Xác định ứng dụng công nghệ thông tin là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kịp thời hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19, thời gian qua, toàn ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai quyết liệt, toàn diện công tác này nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi cho người lao động và người sử dụng lao động trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Qua đó, góp phần cùng các bộ, ban, ngành, địa phương chung tay đẩy lùi dịch COVID-19, bảo đảm an sinh xã hội.

Chu Thanh Vân

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm