Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, đến hết ngày 16/7, ngành đã hoàn thành việc giảm mức đóng bằng 0% vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, qua đó giúp doanh nghiệp có thêm phương án, điều kiện hỗ trợ người lao động.
Giảm thời gian giải quyết hồ sơ; đơn giản hoá thủ tục; đa dạng hình thức nộp hồ sơ; tăng cường giao dịch điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, làm thêm giờ… Đó là những giải pháp đang được ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện để kịp thời đưa các chính sách hỗ trợ thiết thực của Chính phủ đến người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Khẩn trương “vào cuộc”
Để cụ thể hóa Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tham gia cùng các bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; trong đó có 3 chính sách liên quan trực tiếp đến ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam gồm: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động. Bên cạnh đó, ngành thực hiện xác nhận trong 6 chính sách hỗ trợ thiết thực khác như: Hỗ trợ người lao động tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động, ngừng việc, nghỉ việc không lương; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn, trả lương ngừng việc cho người lao động.
Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, cơ quan này đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP để chỉ đạo thống nhất triển khai trong toàn ngành, điều hành việc phối hợp với các cơ quan có liên quan trong và ngoài ngành thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trong phạm vi trách nhiệm của mình. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hướng dẫn việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, tổ chức hội nghị trực tuyến trong toàn ngành từ Trung ương đến Bảo hiểm xã hội cấp huyện để quán triệt quyết liệt, triển khai thống nhất, đồng bộ đến các doanh nghiệp, người lao động một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Theo đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao nhiệm vụ cụ thể, phân cấp, phân quyền, chịu trách nhiệm rõ ràng trong toàn hệ thống. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc và chịu trách nhiệm trước Tổng Giám đốc về việc thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg trên tinh thần tạo điều kiện tối đa; đơn giản, cắt giảm thủ tục, thời gian giải quyết hồ sơ, tuyệt đối không để phát sinh thêm thủ tục hành chính, không đưa ra thêm yêu cầu nào khác so với quyết định của Thủ tưởng Chính phủ và chỉ đạo của ngành. Đảm bảo kinh phí chi trả cho đơn vị sử dụng lao động để kịp thời thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, duy trì việc làm cho người lao động. Thực hiện ngay việc điều chỉnh mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
“Đến ngày 16/7, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hoàn tất các thủ tục, gửi thông báo về số tiền có được do giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022) đến các đơn vị sử dụng lao động để người sử dụng lao động hỗ trợ cho người lao động phòng, chống dịch COVID-19”, ông Nguyễn Thế Mạnh cho hay.
Xác định khối lượng công việc phải thực hiện là rất lớn, trong khi yêu cầu về thời gian hoàn thành càng sớm, càng tốt để hỗ trợ kịp thời cho người lao động và người sử dụng lao động, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã nhanh chóng chỉ đạo Trung tâm Công nghệ thông tin triển khai ngay các quy định của Quyết định 23/2021/QĐ-TTg trên các phần mềm nghiệp vụ và sớm cung cấp các dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công của ngành và Cổng Dịch vụ công quốc gia. Qua đó, giúp Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ động trong việc tiếp cận người cần hỗ trợ; giảm thời gian tiếp nhận, giải quyết hồ sơ. Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố cũng đẩy mạnh giao dịch điện tử, chuyển phát hồ sơ qua hệ thống bưu điện, hạn chế tiếp xúc trực tiếp, nhất là những địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu toàn ngành đẩy mạnh công tác truyền thông, công tác giải đáp, hỗ trợ, tư vấn để người lao động, người sử dụng lao động biết về các chính sách hỗ trợ; tăng cường công tác hướng dẫn, trả lời câu hỏi, vướng mắc liên quan.
Trên 375.000 doanh nghiệp với hơn 11,2 triệu người lao động được hỗ trợ
Ngay sau khi có hướng dẫn, chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cơ quan Bảo hiểm xã hội các cấp đã phối hợp với các ngành có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch hoặc văn bản triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/QĐ-TTg. Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố đã ban hành văn bản gửi tới các đơn vị sử dụng lao động về thực hiện các chính sách hỗ trợ theo hướng dẫn tại Công văn số 1988/BHXH-TST của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Theo thống kê, đến hết ngày 16/7, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố đã hoàn tất thủ tục, gửi thông báo đến 375.335 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng với hơn 11,2 triệu lao động với số tiền tạm tính được điều chỉnh giảm vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022) khoảng 4.322 tỷ đồng. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có số doanh nghiệp và người lao động được hỗ trợ giảm mức đóng lớn nhất cả nước với 101.356 doanh nghiệp, tương ứng hơn 2,3 triệu người lao động được hỗ trợ; tổng số tiền hỗ trợ hơn 1.000 tỷ đồng. Theo sau là Hà Nội có trên 87.000 doanh nghiệp với hơn 1,4 triệu người lao động; tổng số tiền hỗ trợ trên 640 tỷ đồng. Các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Nghệ An, Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Ninh… là những địa phương có số doanh nghiệp và người lao động được hỗ trợ giảm đóng rất lớn.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 này, Bảo hiểm xã hội thành phố đã vào cuộc với sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn. Theo đó, để hỗ trợ kịp thời cho người sử dụng lao động và người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19, Bảo hiểm xã hội thành phố điều chỉnh thời gian giải quyết hồ sơ từ 2 ngày và 4 ngày xuống còn 1 ngày làm việc với các thủ tục: hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, xác nhận danh sách người lao động tạm hoãn hợp đồng, ngừng việc; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội thành phố tổ chức làm việc ngoài giờ hành chính để đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ.
Tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội thành phố đã thành lập Tổ chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP để đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động khó khăn do đại dịch COVID-19. Trong công tác tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, Bảo hiểm xã hội Hà Nội yêu cầu Bảo hiểm xã hội các quận, huyện nêu cao tinh thần trách nhiệm, tạo điều kiện thuận lợi nhất, giảm thời gian tối đa để người lao động, người sử dụng lao động được nhận hỗ trợ kịp thời.
Là địa phương có gần 11.000 doanh nghiệp với hơn 750.000 người lao động thuộc diện hỗ trợ giảm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ngay sau khi có hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Đồng Nai đã khẩn trương phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản triển khai trên địa bàn. Bảo hiểm xã hội tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo, bám sát các đơn vị sử dụng lao động để tư vấn, hướng dẫn. Bảo hiểm xã hội tỉnh gửi thông báo và ban hành quyết định giảm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đến tất cả các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn với tổng số tiền hỗ trợ hơn 330 tỷ đồng.
Bên cạnh việc thực hiện chính sách giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hiện nay, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ giải quyết chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; giải quyết chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo thẩm quyền và xác nhận các danh sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; danh sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo quy định.
Chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ là rất lớn, không chỉ là những giải pháp cấp thiết trong hiện tại mà còn giúp người lao động và doanh nghiệp có sự hỗ trợ cần thiết để họ tiếp tục sản xuất kinh doanh, đủ sức tự đứng vững, vượt qua các khó khăn của dịch bệnh. Nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa, giá trị của các chính sách hỗ trợ mà Chính phủ quyết tâm thực hiện đối với doanh nghiệp, người lao động để vượt qua khó khăn do dịch COVID-19, ông Nguyễn Thế Mạnh khẳng định, toàn ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết tâm, đồng lòng với nỗ lực cao nhất khẩn trương đưa những chính sách hỗ trợ đến người lao động và người sử dụng lao động; góp phần đẩy lùi dịch bệnh, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Chu Thanh Vân