Từ ngày 8/7, người lao động và người sử dụng lao động có thể tiếp cận gói hỗ trợ khó khăn do COVID-19 trị giá 26.000 tỷ đồng của Chính phủ. Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đưa ra tại Họp báo công bố Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 7/7 tại Hà Nội.
Nhấn mạnh chưa bao giờ có gói hỗ trợ nào "táo bạo" như lần này, tất cả vì mục đích người lao động, chủ sử dụng lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, rút kinh nghiệm từ việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết số 68/NQ-CP tạo điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận chính sách; các cấp, các ngành, địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể để linh hoạt triển khai; đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện. Nghị quyết 68/NQ-CP tập trung hỗ trợ đối tượng người lao động và người sử dụng lao động để đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Quyết định số 23 hướng dẫn cụ thể các điều kiện, thủ tục triển khai 10 chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP. Quyết định được xây dựng dựa trên mục tiêu đơn giản hoá, cắt giảm thủ tục, rút ngắn tối đa thời gian giải quyết các thủ tục hỗ trợ để người lao động, người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận sớm nhận được hỗ trợ nhưng vẫn đúng quy định- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
“Chính phủ đã tổng hợp toàn bộ các chủ trương, thủ tục hành chính, những điều kiện để bắt đầu từ ngày mai doanh nghiệp có thể vay vốn. Ngay ngày mai, Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai toàn bộ hệ thống của mình. Doanh nghiệp tiếp cận chủ trương nhanh bao nhiêu thì được hưởng chính sách nhanh bấy nhiêu”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Dẫn chứng năm 2020, Chính phủ đã ban hành gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng có thời gian giải quyết thủ tục cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc có thể lên tới 1 tháng 10 ngày, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: Theo quyết định 23 vừa được ban hành, thời gian tối đa giải quyết thủ tục của chính sách này chỉ còn 7 ngày gồm 4 ngày tiếp nhận, giải quyết hồ sơ và 3 ngày giải ngân tái cấp vốn.
“Chậm nhất sau 7 đến 10 ngày kể từ khi nhận hồ sơ đề nghị được hỗ trợ, các cơ quan chức năng phải thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn cụ thể các điều kiện, thủ tục triển khai 10 chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP gồm: Giảm mức đón bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình hộ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng hoặc nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ lao động ngừng việc; hỗ trợ lao động mất việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ trẻ em và người đang điều trị COVID-19, cách ly y tế; hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và hướng dẫn viên du lịch, hỗ trợ hộ kinh doanh; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.
Các thủ tục hành chính thực hiện chính sách theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg đều đơn giản hoá và rút ngắn tối đa thời gian giải quyết hồ sơ.
Đối với chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Đây là chính sách mới, giúp người sử dụng lao động có thêm nguồn vốn để trả lương cho người lao động, dành thêm nguồn lực để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Việc triển khai thực hiện chính sách theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian giải quyết việc hỗ trợ, người sử dụng lao động tự kê khai và chịu trách nhiệm với kê khai của mình.
Theo đó, người sử dụng lao động được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%, không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc đối với người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên theo quy định khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022. Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế tối đa 3 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.
Hạnh Quỳnh