Đảng viên tiên phong vì cộng đồng

Đảng viên tiên phong vì cộng đồng

Ông Trương Văn Mận, đảng viên, hội viên Hội Nông dân xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang là tấm gương tiêu biểu, tiên phong vì cộng đồng.

Gia đình ông xuất phát điểm là hộ nghèo, chỉ có 2.500 m2 đất trong đó 2.000 m2 đất trồng lúa, còn lại là đất thổ cư. Đất ít, nhà đông người, trồng lúa thu nhập bấp bênh nên cuộc sống của gia đình ông rất khó khăn.

Khó khăn không làm ông nản chí, ông luôn tìm kiếm cơ hội vươn lên lập thân lập nghiệp. Nhờ sự hỗ trợ của Hội Nông dân và các ngành hữu quan, ông tham dự lớp tập huấn khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật, được tham quan những mô hình làm ăn mới và hiệu quả của nông dân đi trước. Từ đó, ông nghiên cứu chọn mô hình trồng lúa chất lượng cao và chăn nuôi lợn thịt khởi đầu cơ nghiệp cho mình. Theo ông Trương Văn Mận, mô hình giúp giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, tạo nguồn nông sản hàng hóa chất lượng theo nhu cầu thị trường, hiệu quả kinh tế cao hơn so với tập quán làm ăn truyền thống của nông dân. Cụ thể, từ kiến thức được truyền thụ qua các lớp tập huấn khuyến nông cũng như tham quan thực tế mô hình sản xuất hiệu quả, ông xây chuồng trại chăn nuôi lợn theo quy trình an toàn sinh học.

Đảng viên tiên phong vì cộng đồng ảnh 1Ông Trương Văn Mận đang chăm sóc đàn heo. Ảnh: baoapbac.vn

Ông Trương Văn Mận chia sẻ, nguyên tắc thành công đối với người chăn nuôi lợn là xây dựng chuồng trại đúng quy cách, thoáng mát và luôn giữ vệ sinh sạch sẽ, phun xịt khử trùng thường xuyên, chọn giống lợn tốt, tiêm phòng dịch cho đàn gia súc đúng định kỳ, đủ liều…Ngoài ra, cần đầu tư vốn làm hầm biogas vừa bảo vệ môi trường vừa có nguồn chất đốt phục vụ sinh hoạt gia đình, giảm chi phí trong sản xuất, tăng thêm đáng kể lợi nhuận từ chăn nuôi lợn thịt.

Đối với đất trồng lúa, nông dân cần ứng dụng rộng rãi khoa học công nghệ từ khâu làm đất, chọn giống đến chăm sóc, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch… Ông Mận quan tâm chọn giống lúa chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng, kháng sâu bệnh vừa thích nghi thổ nhưỡng địa phương... Khi xuống giống phải tuân thủ lịch gieo sạ tập trung, đồng loạt do ngành chức năng đưa ra, cơ giới hóa các khâu sản xuất, áp dụng “một phải, năm giảm” trong chăm sóc, đặc biệt quan tâm sạ hàng, sạ thưa, mật độ sạ vừa phải, bón phân cân đối… Ngoài ra, nông dân cần quản lý sâu bệnh tốt, không phun thuốc trừ sâu ở giai đoạn lúa trước bốn mươi ngày tuổi để bảo tồn thiên địch có ích, từ đó giảm được chi phí và tăng lợi nhuận.

Khởi nghiệp từ năm 1995, ông vừa làm vừa đúc kết kinh nghiệm, khắc phục hạn chế để hoàn thiện mô hình trồng lúa chất lượng cao kết hợp với chăn nuôi lợn theo quy trình an toàn sinh học... Kết quả, từ 2.500 m2 đất ban đầu và thu nhập tích lũy qua từng năm, ông Trương Văn Mận đã tạo dựng cơ nghiệp gồm 20.000 m2 đất trồng lúa (2 ha) cùng 2.000 m2 vườn cây và chuồng trại chăn nuôi lợn, quy mô sản xuất tăng 10 lần so với trước. Hiện nay, trung bình gia đình ông thu lợi nhuận ròng khoảng 800 triệu đồng/năm từ hai nguồn thu nhập chính là bán lợn thịt và thu hoạch lúa.

Nhiều năm liền ông Trương Văn Mận vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang tặng Bằng khen về thành tích nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi tiêu biểu của tỉnh. Không chỉ làm ăn giỏi, ông Trương Văn Mận luôn quan tâm giúp đỡ hộ nghèo trong xóm, ấp cùng xây dựng mô hình phát triển kinh tế phù hợp, đồng thời nêu gương, chung sức cùng cộng đồng xây dựng nông thôn mới thành công tại xã Phú Nhuận.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Phú Nhuận Phạm Công Trung, mỗi năm, ông Mận giúp đỡ từ 15-20 hộ nghèo có nhu cầu về con giống không tính lãi, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt…Qua đó tạo điều kiện để người dân làm ăn hiệu quả, có thu nhập cao, được công nhận thoát nghèo.

Đặc biệt, hưởng ứng chủ trương về xây dựng nông thôn mới, ông Trương Văn Mận đã vận động các hộ dân có nhà dọc theo tuyến đường Tây Rạch Muồng, ấp Phú Hòa, xã Phú Nhuận hiến đất để mở rộng, nâng cấp con đường theo chuẩn quốc gia, tạo thuận lợi cho giao thương, tiêu thụ nông sản hàng hóa. Nhờ đó diện mạo nông thôn mới ngày càng tươi đẹp, hiện đại. Bản thân ông nêu gương hiến thửa đất rộng 2m và dài 25m (tổng diện tích 50 m2) đang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao để mở rộng con đường chưa kể đóng góp tiền của để xã đầu tư hoàn thiện mạng lưới giao thông nông thôn.

Con đường được đưa vào sử dụng tạo bộ mặt mới cho ấp Phú Hòa vốn là vùng sâu, vùng xa, bị chiến tranh tàn phá nặng nề; đồng thời góp phần cho xã Phú Nhuận được công nhận đạt chuẩn và ra mắt xã nông thôn mới vào năm 2020, hướng tới mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2022.

Bí thư Đảng ủy xã Phú Nhuận Phạm Công Trung khẳng định, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”, bài học kinh nghiệm địa phương đúc kết được khi xây dựng nông thôn mới thành công và hướng tới xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu chính là phải dựa vào dân, phát huy nguồn lực của nhân dân. Trong đó, ông Trương Văn Mận là đảng viên nêu gương đi đầu, nhân tố điển hình cần phát huy, tạo sức lan tỏa rộng trong cộng đồng nhằm chung sức xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu đẹp trên quê hương Phú Nhuận.

Minh Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm