Đăng ký nhãn hiệu ở Gia Lai: Doanh nghiệp chưa mặn mà

Đăng ký nhãn hiệu ở Gia Lai: Doanh nghiệp chưa mặn mà

Đừng để… “mất bò mới lo làm chuồng”

Rất nhiều bài học đắt giá từ việc mất thương hiệu, như vụ cà phê Buôn Ma Thuột, kẹo dừa Bến Tre, cà phê Trung Nguyên hay bánh đậu xanh Hải Dương… Mất thương hiệu ở nước ngoài đã đành nhưng ngay cả trong nước  việc “hụt” mất thương hiệu cũng vẫn xảy ra, mà cụ thể “sát sườn” nhất đối với tỉnh ta là thương hiệu Phở Hồng. Mặc dù món phở khô Gia Lai hay còn gọi là phở “2 tô” là món ăn ngon nổi tiếng, đặc biệt vinh dự nằm trong danh sách 10 món Việt Nam xác lập kỷ lục châu Á. Trong đó, quán Phở Hồng (Gia Lai) nổi tiếng là quán chế biến phở khô Gia Lai ngon, hấp dẫn làm nức lòng thực khách trong và ngoài tỉnh, quán có nhiều chi nhánh tại các thành phố lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... Thế nhưng, thương hiệu Phở Hồng lại được Nha Trang (Khánh Hòa) “nhanh chân” đăng ký thương hiệu độc quyền trước. Rõ ràng, trong trường hợp này theo Luật Sở hữu Trí tuệ thì Phở Hồng (Gia Lai) đã “mất” quyền đăng ký nhãn hiệu độc quyền.

Thương hiệu cà phê Classic đã được đăng ký nhãn hiệu. Ảnh: Lê Lan
Thương hiệu cà phê Classic đã được đăng ký nhãn hiệu. Ảnh: Lê Lan

Sự chủ quan và chậm trễ trong việc đăng ký bảo hộ thương hiệu trong nước và nước ngoài đã khiến nhiều cơ sở, doanh nghiệp Việt Nam nói chung, Gia Lai nói riêng có nguy cơ đánh mất tên sản phẩm của chính mình. Đây chính là vấn đề khiến nhiều cơ quan chức năng băn khoăn. Theo ông Phạm Thanh Tuấn-Phó Trưởng phòng Quản lý Chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ Gia Lai thì việc đăng ký nhãn hiệu không chỉ mang lại lợi ích xác lập bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mà nó còn mang đến cơ hội phát triển tài sản trí tuệ, tạo ra lợi thế cạnh tranh, kích thích sự tăng trưởng và mang lại nguồn lợi lớn cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng nhận ra lợi ích này. Tính đến nay, toàn tỉnh mới có hơn 180 doanh nghiệp được Cục Sở hữu Trí tuệ-Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, chiếm 5,4% so với tổng số 3.300 doanh nghiệp trên toàn tỉnh. Đây là con số khá khiêm tốn, biểu hiện sự lãng phí lớn về tài sản trí tuệ-một tài sản tương lai quan trọng.


Đăng ký nhãn hiệu-tăng giá trị doanh nghiệp

Cà phê Thu Hà đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Ảnh: Lê Lan
Cà phê Thu Hà đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Ảnh: Lê Lan

Là một trong những nhãn hiệu cà phê Gia Lai được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu từ năm 2009, đến nay thương hiệu cà phê Classic đã trở nên khá quen thuộc với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm-Giám đốc Công ty cổ phần Cà phê Classic cho biết: “Sau 5 năm đăng ký nhãn hiệu độc quyền, thương hiệu Classic coffee đã trở thành một tài sản trí tuệ vô giá của Công ty. Điều này không chỉ tăng khả năng nhận diện hình ảnh thương hiệu Classic coffee, tăng giá trị sản phẩm mà còn là sự bảo hộ để Công ty mạnh dạn đầu tư, phát triển kinh doanh. Đây cũng là tiền đề quan trọng cho định hướng phát triển lâu dài của doanh nghiệp trong việc phát triển thị trường ra nước ngoài”.

Theo ông Hoàng Phước Bính-Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê-Gia Lai thì hiện nhãn hiệu Hồ tiêu Chư Sê đã được bảo hộ độc quyền trong nước. Tuy nhiên, để thương hiệu vươn xa, khẳng định trên thương trường quốc tế, từ năm 2014 Hiệp hội đã khởi động đăng ký nhãn hiệu Hồ tiêu Chư Sê tại nước ngoài. Đầu năm 2015, Hiệp hội làm việc với một công ty luật để tư vấn triển khai các thủ tục bảo hộ nhãn hiệu độc quyền tại các nước, như: Mỹ, Đức… Việc đăng ký nhãn hiệu độc quyền tại nước ngoài sẽ giúp hồ tiêu Chư Sê khẳng định uy tín, chất lượng và tăng cao giá trị sản phẩm trên thị trường thế giới. Nhờ đó, khả năng đàm phán với các đối tác nước ngoài cũng sẽ cao hơn, thuận lợi hơn.

Trên đây chỉ là hai trong số 180 doanh nghiệp tại tỉnh ta tiến hành đăng ký bảo hộ thương hiệu. Thực tế, hiện vẫn còn đến 95% doanh nghiệp trên địa bàn chưa quan tâm đến vấn đề này. Trong khi thủ tục đăng ký nhãn hiệu hiện nay khá đơn giản và lệ phí cũng không quá cao, khoảng 1,5 triệu đồng/nhóm hàng. Đặc biệt, tỉnh còn có các chính sách tuyên truyền, tập huấn hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu. “Trước đây, các đơn vị đến làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu đều được hỗ trợ 80% kinh phí. Tức là lệ phí đăng ký nhãn hiệu một nhóm hàng là 1,5 triệu đồng thì thực tế doanh nghiệp chỉ phải đóng 300.000 đồng. Hiện Sở đang tiếp tục xin ý kiến cấp trên phê duyệt dự thảo chương trình hỗ trợ năm 2016-2020 cho các đơn vị tham gia đăng ký nhãn hiệu”-ông Phạm Thanh Tuấn cho biết thêm.

Báo Gia Lai

Có thể bạn quan tâm