Đảm bảo 3 yếu tố để phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi

Nông dân xã Quang Kim, huyện Bát Xát nuôi nhốt đàn trâu trong chuồng trại kiên cố. Ảnh: Hương Thu-TTXVN
Nông dân xã Quang Kim, huyện Bát Xát nuôi nhốt đàn trâu trong chuồng trại kiên cố. Ảnh: Hương Thu-TTXVN

Tại hội nghị trực tuyến Triển khai công tác phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi vụ Đông Xuân 2021-2022 các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 14/12, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, các địa phương không được chủ quan, khi đã chuẩn bị thì phải từ xa, từ sớm, tăng cường dinh dưỡng đảm bảo sức khỏe từ trước cho đàn gia súc, tạo tiền đề cho phát triển chăn nuôi năm 2022.

Đảm bảo 3 yếu tố để phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi ảnh 1Nông dân xã Quang Kim, huyện Bát Xát nuôi nhốt đàn trâu trong chuồng trại kiên cố. Ảnh: Hương Thu-TTXVN

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ rõ, nguyên nhân cơ bản khiến đàn giá súc chết đói, chết rét là do việc phòng chống dịch bệnh; thiếu dinh dưỡng khi vào mùa khô, rét; việc che chắn chuồng trại, chăn thả… không đảm bảo. Nếu không đảm bảo 3 yếu tố trên sẽ rất khó khăn trong phòng chống dịch bệnh, đói rét.

“Qua nhiều năm đã xây dựng được nhiều mô hình về phòng chống đói, rét. Nhiều mô hình trong dân rất sáng tạo như mặc áo, đào hầm, dự trữ thức ăn thô xanh… Do đó các địa phương, đơn vị chuyên môn phải cụ thể hóa các giải pháp gắn với “cầm tay chỉ việc”, không ban hành văn bản hướng dẫn chung chung, trừu tượng”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu.

Theo rà soát của Cục Chăn nuôi, đàn gia súc ăn cỏ của 20 tỉnh khu vực Trung du miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ thường xuyên chịu ảnh hưởng của rét đậm, rét hại. Số lượng đàn gia súc ăn cỏ có nguy cơ cao bị ảnh hưởng gồm: đàn trâu 1,89 triệu con; đàn bò 2,19 triêu con; đàn ngựa 49,58 nghìn con; đàn dê 2,65 triệu con chiếm tỷ lệ lần lượt là trên 81%; 36,6%; 97,3% và 44% tổng đàn trâu, bò, ngựa, dê của cả nước.

Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, việc gia súc, gia cầm bị chết do bị đói, rét kéo dài, nhiệt độ xuống thấp kèm theo điều kiện về chuồng trại, vệ sinh môi trường không tốt làm phát sinh dịch bệnh. Đối tượng gia súc bị chết rét chủ yếu là trâu, bò già yếu, bê nghé non ở các hộ gia đình nghèo, cận nghèo không có điều kiện tốt về chuồng trại, dự trữ thức ăn.

Số lượng gia súc, gia cầm bị thiệt hại do đói, rét giảm rõ rệt trong những năm gần đây. Có được kết quả đó là nhờ sự chủ động, tích cực trong chỉ đạo phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi từ Trung ương đến địa phương.

Tuy nhiên, theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương vụ Đông Xuân năm 2021-2022 có thể xảy ra nhiều đợt rét đậm, rét hại kéo dài. Ông Tống Xuân Chinh cho rằng, không chủ quan, lơ là trong chăm sóc nuôi dưỡng, quản lý vật nuôi trước, trong và sau rét đậm, rét hại. Địa phương theo dõi chặt chẽ và thông tin kịp thời về tình hình diễn biến của thời tiết khí hậu, đặc biệt là những đợt rét đậm, rét hại để chủ động phòng chống đói, rét cho gia súc kịp thời. Vận động người chăn nuôi không thả rông gia súc và cho gia súc làm việc khi nhiệt độ xuống dưới 10 độ C.

Hướng dẫn người dân thu gom phụ phẩm nông nghiệp có sẵn tại địa phương như: rơm rạ, cây ngô… dự trữ, chế biến làm thức ăn cho gia súc. Địa phương chuyển diện tích sản xuất lương thực kém hiệu quả sang trồng cây thức ăn gia súc. Mở rộng diện tích trồng cỏ, ngô sinh khối, ngô vụ Đông để làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ và phổ biến nhanh các giống cỏ năng suất cao, chịu hạn, chịu rét, chịu sương muối tốt để người chăn nuôi gieo trồng.

Sau khi kết thúc từng đợt rét cần khẩn trương vệ sinh chuồng trại, cho trâu bò thích nghi dần với khí hậu ngoài chuồng nuôi, phòng chống bùng phát dịch bệnh.

Ông Lê Tân Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai cho biết, Sở đã thành lập các đoàn kiểm tra, trên cơ sở đó để chủ động nắm tình hình. Các đoàn kiểm tra đã phân ra các vùng có nguy cơ theo 3 cấp, đồng thời rà soát phương án ứng phó, trong tình trạng khẩn cấp sẽ chỉ đạo tập trung cùng với nguồn lực. Đến nay, Lào Cai cơ bản chủ động được tình hình và chủ động được tình huống có thể xảy ra.

Qua rà soát cho thấy, đàn trâu, bò của tỉnh giảm 10% so với năm ngoái, còn 130.000 con. Giảm số lượng nhưng sản lượng trâu, bò tăng thấy việc chuyển dịch lớn trong chăn nuôi. Trước đây, chăn nuôi trâu bò phục vụ chủ yếu cho sản xuất nay chuyển sang sản xuất hàng hóa, người dân chủ động lớn trong chuồng trại, thức ăn.

Tổng số hộ gia đình đảm bảo chuồng trại trên địa bản tỉnh Lào Cai năm ngoái chỉ đạt 70%, nay đã đạt trên 90%, còn lại chủ yếu là các hộ nghèo, vùng sâu vùng xa. Dự trữ thức ăn cũng đạt trên 80%, tăng khoảng 10% so với năm 2020, mỗi hộ đều dự trữ thức ăn với khoảng 200 kg và đảm bảo trong 2-3 tuần. Các mô hình chế biến đảm bảo nguồn thức ăn như ủ rơm… cũng được phổ biến rộng rãi.

Về phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi tại Điện Biên, bà Chu Thị Thanh Xuân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, những năm vừa qua, số lượng vật nuôi chết do đói rét giảm nhiều. Địa phương tăng truyền thông và tăng kiểm tra tại cơ sở đã mang lại hiệu quả tích cực, đặc biệt cấp xã. Tuy nhiên việc phòng chống đói rét còn nhiều khó khăn do chăn nuôi trên địa phương vẫn nhỏ lẻ với 98% nông hộ, chăn nuôi thả rông còn nhiều. Việc làm chuồng trại đã bước đầu có nhưng còn sơ sài; dự trữ thức ăn đã có nhưng ít, nếu xảy ra rét đậm, rét hại kéo dài sẽ khó đảm bảo.

Chuẩn bị dự trữ thức ăn bổ sung cho vật nuôi vụ Đông Xuân năm 2021 – 2022, tỉnh Yên Bái có 7.020 ha cỏ; 9.500 cây rơm, nhà rơm; 230 ha ngô trồng dày. Các địa phương chủ động chuẩn bị phương án bố trí nguồn nhân lực, vật chất, kinh phí ứng phó khi rét đậm, rét hại xảy ra.

Ông Tống Xuân Chinh cho rằng, các tỉnh, thành phố thành lập các đoàn công tác xuống các địa phương trong tỉnh kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động củng cố, che chắn chuồng trại đảm bảo giữ ấm cho gia súc, từng bước thực hiện không thả rông gia súc, dự trữ thức ăn thô xanh cũng như bổ sung thêm thức ăn tinh để tăng sức đề kháng cho gia súc và thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho đàn vật nuôi.

Các địa phương chủ động sử dụng ngân sách dự phòng để phục vụ kịp thời công tác phòng, chống đói rét cho vật nuôi; hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ chăn nuôi nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho vật nuôi.

Bích Hồng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm