Trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua, có thời điểm nhiệt độ xuống thấp 3 độ C, tuy nhiên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa không có trâu bò bị chết rét. Để có được kết quả này, bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp các ngành về việc phòng chống đói rét cho đàn trâu, bò, việc thay đổi trong nhận thức và tập quán chăn nuôi của người dân đã góp phần quan trọng bảo vệ đàn vật nuôi trước các đợt rét đậm rét hại.
Thanh Hóa là tỉnh có số trâu bò nhiều thứ 5 toàn quốc với khoảng 460.000 con, tập trung chủ yếu ở 11 huyện miền núi. Ngay từ khi có thông tin về đợt rét đậm, rét hại sắp xảy ra trên địa bàn, ông Chá Văn Dia ở Bản Pù Toong, xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa đã chủ động đưa đàn bò đang chăn thả trên núi về nuôi nhốt tại chuồng gần nhà. Gia cố lại chuồng trại, chuẩn bị sẵn nguồn thức ăn thô xanh và chủ động đốt lửa sưởi nên dù có ngày nhiệt độ xuống 3 – 40C nhưng đàn bò của ông Dia vẫn được bảo vệ an toàn.
Ông Chá Văn Dia cho biết: Gia đình tôi và tất cả các hộ trong bản đều có chuồng trại nuôi nhốt trâu bò nên ngày từ đầu tháng 1 nhận được thông tin có đợt rét đậm, rét hại, gia đình tôi đã nhốt trâu bò vào chuồng, đồng thời tích trữ thức ăn tinh và thô cho trâu bò ăn trong những ngày rét. Nhờ đó cả bản chúng tôi không có hộ nào có trâu bò bị chết rét.
Theo ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá, trước đợt rét đầu tháng 1, huyện đã chỉ đạo rất cương quyết các xã tuyên truyền vận động cho người dân đưa đàn gia súc về nuôi nhốt gần nhà qua hệ thống loa phát thanh của xã. Cán bộ thú y cũng đến từng nhà tuyên truyền nhắc nhở, làm tốt công tác che chắn chuồng trại và chuẩn bị thức ăn thô xanh nên người dân đã nâng cao ý thức trong việc này.
Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương tỉnh Thanh Hóa đã tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng chống đói rét cho đàn gia súc, gia cầm, bố trí nguồn ngân sách dự phòng để đáp ứng kịp thời phòng chống đói, rét cho trâu, bò, hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho vật nuôi.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng đã lập 3 đoàn kiểm tra đôn đốc phòng trống đói, rét cho trâu, bò. Vì vậy người dân đã chủ động hơn trong việc bảo vệ đàn vật nuôi của mình. Tình trạng chăn thả trâu, bò trong những ngày mưa rét, nhiệt độ giảm sâu đã không còn phổ biến tại các huyện miền núi ở Thanh Hoá. Điều này đã hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân.
Ông Mai Thế Sang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hoá nhấn mạnh: Yếu tố quan trọng nhất trong phòng chống rét cho trâu bò là phải chuẩn bị đầy đủ lượng thức ăn thô xanh, thức ăn tinh. Khi cho trâu, bò ăn cần cung cấp thêm một lượng muối để tăng cường khả năng chống chịu cho đàn vật nuôi. Về việc này bà con nhân dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã chuẩn bị khá tốt.
Bên cạnh đó, ngành thú ý cũng đã thông báo nếu hộ dân nào để trâu bò chết rét do nguyên nhân chủ quan, sẽ không được hỗ trợ, đền bù. Cách làm này cũng đã nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ đàn vật nuôi trong những ngày giá rét.
Theo khuyến cáo từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y, trong những ngày nhiệt độ dưới 12 độ C, người dân không nên chăn thả hoặc đưa trâu bò ra đồng làm việc. Người dân cũng phải tiếp tục thực hiện nghiêm việc tiêm phòng để hạn chế thấp nhất dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm, nhất là những bệnh mùa đông như bệnh cước chân hay ký sinh trùng trên đàn trâu bò.
Trong thời gian tới tại khu vực miền núi cao tỉnh Thanh Hóa có thể xảy ra hiện tượng băng giá, mưa ẩm kéo dài. Do vậy, người chăn nuôi không được chủ quan, tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp về phòng chống đói rét cho đàn trâu, bò theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp.
Trịnh Duy Hưng