Liên tục trong những ngày qua, do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh tăng cường, thời tiết trên địa bàn tỉnh Sơn La nói chung, huyện Vân Hồ nói riêng đã xảy ra rét đậm, rét hại gây ảnh hưởng đến sản xuất, chăn nuôi và đời sống của nhân dân. Nhằm giảm thiểu thiệt hại, các cấp chính quyền và nhân đân trên địa bàn tỉnh Sơn La đã chủ động trong phòng, chống rét cho người, cây trồng, vật nuôi.
Để ứng phó trước hiện tượng sương muối, giá rét trong nhiều ngày qua, tại các xã của huyện Vân Hồ, người dân đã hạn chế việc ra đồng, lên nương rẫy và chỉ ra khỏi nhà khi thật sự có việc cần thiết. Người dân đã mặc những chiếc áo dày, đeo găng tay, đốt củi trong nhà, ngoài sân, ven đường và trên các vỉa hè để sưởi ấm cơ thể.
Đối với việc chống đói, rét cho vật nuôi được người dân tích cực thực hiện như: sửa chữa, gia cố, che chắn chuồng trại, đảm bảo khô ráo, kín gió nhằm giữ ấm cho gia súc, gia cầm và được nuôi nhốt trong chuồng, không thả rông. Các hộ dân đã dự trữ lương thực đủ cho vật nuôi ăn trong nhiều ngày, đồng thời cho ăn tăng thêm thức ăn trong mỗi bữa và cho uống nước ấm. Đặc biệt, vào thời điểm nhiệt độ giảm sâu, người dân đốt củi, thắp điện để sưởi ấm cho gia súc, gia cầm.
Bên cạnh đó, người dân đã chủ động trong việc ứng phó với thời tiết cực đoan cho các loại cây trồng. Nhiều hộ gia đình đã đầu tư xây dựng nhà lưới, chăng lưới để che, phủ diện tích cây ăn quả, rau màu nhằm giảm thiểu thiệt hại do băng giá, sương muối gây ra.
Chị Lò Thị Oanh, bản Hang Trùng 1, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ chia sẻ, gia đình chị có gần 8.000 m2 đất trồng các loại rau, củ, quả; trong đó diện tích rau ngoài trời hơn 7.000 m2 và trong nhà màng 600 m2. Để ứng phó với thời tiết rét đậm, rét hại, chị chọn trồng các loại rau có khả năng chống, chịu lạnh cao như bắp cải, su hào, súp lơ, cà chua, xà lách. Những ngày có sương muối, gia đình chị luôn chủ động nước để tưới, nhờ vậy đã giảm bớt sương muối trên cây rau, giúp rau phát triển tốt hơn.
Cũng theo chị Lò Thị Oanh, nếu trong những ngày tới mà xuất hiện mưa đá thì diện tích rau trong nhà màng của gia đình chị không bị ảnh hưởng nhiều, do mái nhà màng được lợp bằng vật liệu rất chắc chắn. Đối với diện tích rau trồng ở ngoài trời, chị đã chuẩn bị sẵn lưới đen, làm vòm để che chắn, qua đó, sẽ giảm thiểu thiệt hại rất nhiều.
Bà Đinh Thị Án, bản Tin Tốc, xã Chiềng Khoa, huyện Vân Hồ cho biết, gia đình bà có 4 con bò, 6 con dê, năm nào cũng vậy, cứ vào mùa Đông, bà lại chuẩn bị đủ lương thực để cho đàn bò, dê ăn. Những hôm trời rét đậm, gia đình bà dùng bạt che chắn chuồng trại, giữ ấm cho gia súc và không thả bò, dê ra ngoài nương. Nhờ vậy, sau nhiều năm chăn nuôi, đàn bò, dê của gia đình bà phát triển tốt, không bị chết rét.
Ông Đặng Phi Hùng, Chủ tịch UBND xã Vân hồ, huyện Vân Hồ thông tin, trước tình hình thời tiết rét đậm, rét hại, xã đã ban hành văn bản chỉ đạo các bản, tiểu khu và thông báo qua loa truyền thanh đến nhân dân biết để có phương án phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi.
Đối với diện tích rau màu, thời gian qua, nhân dân trên địa bàn xã chủ yếu trồng các loại có khả năng chịu lạnh cao như bắp cải, xu hào, súp lơ và nhiều hộ dân đã xây dựng nhà lưới, nhà màng cho rau màu để tránh sương muối, mưa đá rất hiệu quả. Với diện tích rau canh tác ngoài trời, cũng được người dân chú trọng bơm nước tưới tiêu chống rét.
Dự báo, tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến khắc nghiệt, có thể xảy ra mưa đá, băng tuyết, xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động cắm cọc, dùng lưới che chắn nhằm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất. Đối với gia súc, gia cầm, xã đã lưu ý người dân chủ động đưa về nuôi nhốt trong chuồng trại được che chắn kín đáo, chuẩn bị đủ ngồn thức ăn, nuớc uống và củi đốt để giữ ấm, tránh rét cho vật nuôi.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vân Hồ Thái Bá Sinh cho biết, hiện tại trên địa bàn huyện Vân Hồ có tổng số 142.176 con trâu, bò. Trước tình hình rét đậm, rét hại, các cơ quan chuyên môn đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện xây dựng các văn bản chỉ đạo về phòng, chống đói rét, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; trong đó, tập trung cao cho việc hướng dẫn nhân dân cách phòng tránh rét, che chắn chuồng trại và dự trữ thức ăn nhằm đảm bảo sức khỏe cho vật nuôi; thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện của nhân dân về chăm sóc gia súc, gia cầm.
Thời gian tới, dự báo sẽ có thêm nhiều đợt rét đậm, rét hại và xuất hiện băng giá, khuyến cáo người dân không chăn thả gia súc ra ngoài đồng, ngoài nương; cần phải cho gia súc ăn thức ăn dự trữ và tiếp tục che chắn chuồng trại kín đáo để không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trâu, bò.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vân Hồ cũng cho biết, đợt rét này, nhiệt độ giảm sâu đã xảy ra hiện tượng sương muối, tuy nhiên chưa gây ảnh hưởng nhiều đến diện tích rau màu và vật nuôi của người dân.
Những ngày tới, thời tiết sẽ vẫn rét đậm, rét hại, người dân cần chủ động phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi để hạn chế thiệt hại mức thấp nhất, góp phần bảo đảm phát triển nông nghiệp bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn.
Tại tỉnh Quảng Trị, theo thống kê của xã Ba Tầng, huyện miền núi Hướng Hóa, tính đến ngày 12/1, đã có 81 con trâu bò của xã bị chết do đợt rét đậm lần này, cao điểm nhất vào ngày 10/1 có tới 5 con trâu bò bị chết.
Ông Hồ Văn Bằng, Chủ tịch UBND xã Ba Tầng cho biết, mặc dù xã đã tiến hành tuyên truyền cũng như cử lực lượng cán bộ về từng hộ dân hướng dẫn bà con cách phòng chống rét cho đàn gia súc thế nhưng nhiệt độ xuống thấp nhất là ban đêm khiến nhiều trâu, bò của người dân trên địa bàn bị chết. Đặc biệt, bị nặng nhất là thôn Loa 21 con và Ba Long 24 con. Hiện nay, xã đang tiếp tục triển khai tuyên truyền, vận động bà con thực hiện các biện pháp chống rét để bảo vệ đàn trâu, bò còn lại.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã có công văn chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người dân thực hiện các phương án phòng chống dịch bệnh và cũng như rét đậm, rét hại cho đàn gia súc, gia cầm, vật nuôi trên địa bàn như: sửa chữa, nâng cấp, che chắn chuồng trại, phòng chống mưa, rét, gió lùa; tăng cường sưởi ấm cho gia súc, gia cầm bằng các biện pháp như thắp bóng điện công suất lớn, ủ trấu, đốt lửa, làm chuồng úm cho gia súc non theo mẹ; chủ động, dự trữ thức ăn tinh, thức ăn thô khô, cung cấp đầy đủ thức ăn; nhốt trâu, bò tại chuồng, không chăn thả trâu, bò khi nhiệt độ xuống thấp; tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia súc, gia cầm; đảm bảo vệ sinh chuồng trại không để xảy ra dịch bệnh…
Bà Trần Thị Lý, xã Trung Nam, huyện Vĩnh Linh cho biết: "Để phòng chống rét cho đàn bò, gia đình tôi cũng đã chuẩn bị nguồn thức ăn sẵn như khoai, sắn, rau, cỏ, rơm khô… không thực hiện chăn thả khi trời rét lạnh. Bên cạnh đó, tôi cũng đã dùng bạt che chắn chuồng trại cùng với lá khô phủ trên mặt chuồng để giữ nhiệt. Ban đêm khi nhiệt độ xuống thấp, để sưởi ấm cho đàn bò tôi nhóm lửa trước cửa chuồng".
Tại các vùng núi có nhiệt độ thấp, các địa phương cũng đã cắt cử cán bộ đến từng hộ dân tuyên truyền, vận động bà con không thả rông trâu, bò lên rẫy trong thời tiết rét lạnh. Đồng thời, cử các đoàn công tác đi chỉ đạo trực tiếp, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống rét cho đàn vật nuôi.
Ông Nguyễn Trí Lương, Trưởng Phòng Chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị khuyến cáo: Trong điều kiện thời tiết lạnh kèm mưa ẩm thì việc chăm sóc, tăng sức đề kháng cho đàn gia súc vô cùng quan trọng. Người dân cần thực hiện đúng theo các văn bản hướng dẫn của các ngành chức năng để bảo vệ sức khỏe đàn trâu bò, vật nuôi của gia đình mình. Không thực hiện chăn thả, bắt trâu, bò làm việc trong những ngày rét đậm, rét hại, khi nhiệt độ ngoài trời dưới 12 độ hoặc khi có sương giá xuất hiện. Bà con cần bổ sung thêm muối ăn, khoáng chất giúp trâu bò tăng sức đề kháng; thường xuyên thăm kiểm tra phát hiện những con ốm, yếu để có chế độ chăm sóc phù hợp.
Bên cạnh đó, thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ hàng ngày, không để đọng phân, nước thải trong chuồng; thay hoặc bổ sung chất độn chuồng để tránh nền chuồng bị ẩm ướt trong những ngày mưa rét. Chủ động tiêm phòng các loại vắc xin, bổ sung về dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn cấp huyện và cơ sở. Bên cạnh các biện pháp trên, người chăn nuôi cần cập nhật kịp thời và thường xuyên thông tin diễn biến thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động trong việc phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi.
Trong tháng 10, 11/2020 vừa qua, tỉnh Quảng Trị phải gánh chịu 6 đợt lũ, 2 cơn bão liên tiếp với tổng số hơn 5.800 con gia súc, gần 551.000 gia cầm bị chết và cuốn trôi. Chính vì vậy, việc triển khai các biện pháp phòng, chống rét cho đàn gia súc hiện nay vô cùng cấp bách và quan trọng trong việc bảo vệ đàn vật nuôi còn sót lại để người dân tiếp tục tái đàn sản xuất trong thời gian tới.
Quang Quyết - Thanh Thủy