Đắk Nông: “Thầy tại chỗ, thuốc tại vườn”

Đắk Nông: “Thầy tại chỗ, thuốc tại vườn”
Vườn thuốc nam của Trạm y tế xã Đắk Sắk (Đắk Mil) có nhiều loại cây quý dùng để chữa bệnh cho nhân dân
Vườn thuốc nam của Trạm y tế xã Đắk Sắk (Đắk Mil) có nhiều loại cây quý dùng để chữa bệnh cho nhân dân
Tại các Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, huyện, mặc dù còn nhiều khó khăn về trang thiết bị, nhân lực... nhưng các khoa Đông y đều được thành lập và tích cực triển khai công tác khám, chữa bệnh bằng phương pháp YHCT.

Khoa Đông y (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông) đã từng bước được kiện toàn với đầy đủ cán bộ chuyên môn và trang thiết bị. Hiện Khoa có 19 bác sĩ y học cổ truyền, lương y, y sĩ đông y. Cùng với việc sử dụng hiệu quả các trang thiết bị hiện có, mới đây, Khoa còn được đầu tư thêm 65 thiết bị, vật tư mới như máy tập khớp gối, bàn tập hoạt động trị liệu, nệm tập cho người khuyết tật... phục vụ tốt nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Lượt, Trưởng khoa YHCT của bệnh viện thì hiện nay, nhu cầu khám, chữa bệnh bằng YHCT của người dân ngày càng tăng. Trung bình mỗi ngày, Khoa tiếp nhận hơn 60 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị. Tại tuyến y tế xã, phường, hoạt động khám, chữa bệnh bằng phương pháp YHCT cũng được triển khai sâu rộng. Đến nay, hầu hết các trạm y tế xã, phường đều có cán bộ chuyên trách trực tiếp khám, chữa bệnh cho người dân bằng phương pháp YHCT.

Các trạm đều xây dựng được vườn thuốc nam để vừa cung cấp cho công tác điều trị, vừa giới thiệu, tuyên truyền cho người dân địa phương về cách trồng và sử dụng một số loại cây thuốc thông dụng. Theo thống kê, trung bình mỗi  năm, toàn tỉnh có khoảng 200.000 người tham gia khám, chữa bệnh bằng YHCT tại tuyến cơ sở.
Cùng với việc đẩy mạnh khám, chữa bệnh bằng YHCT tại các cơ sở y tế công lập, ngành còn huy động nguồn lực xã hội hóa để đáp ứng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh bằng YHCT của người dân.

Đơn cử như phòng khám nhân đạo YHCT ở phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) được thành lập vào đầu năm 2014 đã thu hút đông đảo người dân đến khám, chữa bệnh. Theo bác sĩ, lương y Phan Thành Nguyên, phụ trách phòng khám thì trung bình mỗi tháng, phòng khám đã khám và cấp thuốc miễn phí cho 3.500-4.000 lượt người dân với các bệnh chủ yếu như:  xơ gan, tiểu đường, sỏi thận, dạ dày...

Cùng với công tác khám, chữa bệnh, nhiều hoạt động nghiên cứu, phát triển nguồn dược liệu cũng được quan tâm đẩy mạnh. Thực hiện phương châm “thầy tại chỗ, thuốc tại vườn”, nhiều chi hội đông y trên địa bàn đã tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân dành diện tích đất tại vườn nhà để gieo trồng các loại cây thuốc nam.

Đặc biệt, từ tiềm năng sẵn có của địa phương, các cấp hội đông y đã tiến hành điều tra, nghiên cứu và phát triển các loại cây thuốc trên địa bàn. Kết quả, toàn tỉnh đã phát hiện được hơn 300 loài cây thuốc, xây dựng thành sách “Danh mục cây thuốc Đắk Nông”. Nhiều chi hội cũng xây dựng các mô hình trồng thử nghiệm cây thuốc với hơn 100 loài...

Trước nhu cầu khám, chữa bệnh bằng phương pháp YHCT của người dân ngày càng cao, ngành y tế tỉnh Đắk Nông đang nghiên cứu giải pháp để phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh cũng như nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Trong đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho đội ngũ lương y, lương dược được quan tâm. Ngành cũng tiến hành rà soát để nắm bắt nhu cầu, từng bước mua sắm thêm một số trang thiết bị cần thiết cho các trạm y tế xã.

Về phía Hội Đông y tỉnh, ngoài công tác củng cố tổ chức, phát triển hội viên, các cấp hội Hội cũng tích cực vận động cán bộ, hội viên trao đổi, nghiên cứu những bài thuốc hay, cây thuốc quý, kinh nghiệm trong khám, chữa bệnh bằng YHCT, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống cũng như phục vụ ngày càng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân…
Báo Đắc Nông

Có thể bạn quan tâm