Mới đây, khi đến thăm một trang trại sầu riêng có tiếng trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông), chúng tôi có dịp chứng kiến chỉ chưa đầy 1 giờ đồng hồ, chủ trang trại này đã xuất bán cả tấn sầu riêng cho các thương lái. Thế nhưng, phần lớn những trái sầu riêng được thương lái thu mua là dạng trái xanh chứ chưa chín.
Theo chủ trang trại thì thương lái không thích mua sầu riêng chín tự rụng vì nhanh hư, không để được lâu. Hơn nữa, sầu riêng chín rụng thì số lượng lẻ tẻ, trong khi thương lái muốn thu mua với số lượng lớn nên thích mua trái xanh rồi dùng thuốc “ép chín”.
Việc “ép chín” trái sầu riêng được thực hiện khá đơn giản. Những trái sầu riêng xanh được các thương lái nhúng vào nước “hóa chất” bày bán tại nhiều cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật, sau khoảng 4 ngày thì dù trái xanh cỡ nào cũng chín đều và để cả tháng trời mà không lo bị hư thối.
Chủ trang trại này khẳng định, các thương lái còn đề nghị được nhúng sầu riêng xanh ngay tại vườn thì sẽ thu mua với mức giá cao hơn 1000 đồng/1kg, nhưng ông không đồng ý. Bởi vì, việc này sẽ rất có lợi cho họ vì không mất thời gian vận chuyển, bốc hàng và thuê kho bãi ở chỗ khác để tiến hành nhúng “hóa chất”. Tuy nhiên, sau đó, việc thương lái xử lý sầu riêng như thế nào thì là việc của họ, ông không thể can thiệp được.
Qua tìm hiểu thêm được biết, nhiều chủ vườn sầu riêng cũng chủ yếu bán trái xanh cho thương lái theo kiểu này. Sau khi gom đủ số lượng, các thương lái sẽ tự nhúng “hóa chất” rồi mới xuất bán đi nhiều tỉnh thành khác trong cả nước.
DÙNG PHÂN BÓN LÁ “ÉP CHÍN” SẦU RIÊNG
Trong vai người dân có sầu riêng muốn bán, chúng tôi tiếp cận với các thương lái để tìm hiểu cách thức “ép” chín sầu riêng.
Một thương lái chuyên buôn sầu riêng ở Gia Nghĩa cho biết: “Nếu muốn để sầu riêng lâu ngày thì phải nhúng hóa chất, ưu điểm là chín đều, ít bị sượng và kéo dài hơn cả tháng trời mà không lo bị hư hỏng. Tất nhiên, đối với những trái sầu riêng đã nhúng hóa chất thì chắc chắn sẽ không tốt cho sức khỏe người sử dụng”.
Loại hóa chất mà các thương lái sử dụng để nhúng sầu riêng |
Chủ cửa hàng còn hướng dẫn tỉ mỉ cách sử dụng như đổ thuốc này vào xô nước sau đó nhúng trái sầu riêng, sau khoảng 3 ngày thì trái dù có xanh cỡ nào cũng đều chín đẹp, không bị nứt nẻ và đều màu.
Theo quy định của Bộ Nông nghiệp-PTNT thì phân bón lá là các loại sản phẩm chỉ được tưới hoặc phun trực tiếp vào lá hoặc thân để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng thông qua thân lá. Thế nhưng, toàn bộ cách dùng, công dụng in trên sản phẩm “Phân bón lá cao cấp HPC-97 HXN” hầu như chẳng đề cập gì tới tác dụng gì cho lá.
Về công dụng thì “Sản phẩm này đẩy nhanh quá trình chín của trái cây, chín đều, đồng loạt, màu sắc đẹp, chống sượng, giúp cho việc thu hoạch được nhanh chóng, tập trung; giúp làm rụng lá cây họ đậu... giảm chi phí và thời gian thu hoạch”. Cách dùng thì “Điều khiển cho trái cây già chín nhanh: pha 250ml cho 10 lít nước phun cục bộ lên trái cây già như xoài, mít, bơ, chuối, sapôchê, sầu riêng, măng cụt, mãng cầu... cách ly 4-5 ngày”.
Với thông tin về sản phẩm như trên, có lẽ các thương lái đã lạm dụng cách sử dụng, đó là thay vì hòa nước phun lên trái cây già thì đằng này là nhúng trái cây xanh trực tiếp vào thuốc cho nhanh có tác dụng, với liều lượng chẳng ai biết được.
CẦN CÓ SỰ KIỂM TRA
Theo một số người có kinh nghiệm thì cách phân biệt sầu riêng có bị nhúng “hóa chất” hay không cũng khá đơn giản. Theo đó, người dùng có thể nhận biết bằng cách nhìn ngay cuống và gai của quả sầu riêng khi chọn mua. Nếu cuống quả héo cũ, gai bầm dập, màu sạm cũ thì là quả bị cắt khi còn non và đã bị nhúng “hóa chất” hoặc tiêm thuốc kích chín và ít có mùi thơm. Còn sầu riêng chín rụng có cuống và gai tươi mới, hương thơm lừng tự nhiên.
Trước thực tế trên, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cũng cần nhanh chóng vào cuộc, làm rõ việc sử dụng hóa chất để “ép chín” trái cây nói chung, sầu riêng nói riêng để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, sức khỏe cho người tiêu dùng cũng như bảo vệ uy tín, thương hiệu của trái cây Đắk Nông trên thị trường.
Báo Đắc Nông