Văn hóa cồng chiêng luôn hiện hữu trong cuộc sống của đồng bào |
Điển hình, thông qua Đề án “Bảo tồn, phát huy lễ hội hoa văn, cồng chiêng và nhạc cụ các dân tộc tại chỗ tỉnh”, nhiều giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc bản địa trên địa bàn tỉnh được gìn giữ, phát huy. Các địa phương đã tổ chức phục dựng được 18 lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ.
Mỗi lần tổ chức, các lễ hội truyền thống được phục dựng một cách nguyên bản, thu hút đông đảo đồng bào các dân tộc anh em trên địa bàn về tham dự như: Lễ cưới, Lễ cúng mừng sức khỏe, Lễ sum họp cộng đồng, Lễ cắm nêu cúng lúa… Các lớp tập huấn nâng cao năng lực diễn tấu cồng chiêng, dệt thổ cẩm, chế tác nhạc cụ cũng thường xuyên được tổ chức. Nhờ đó, âm thanh cồng chiêng, tiếng nhạc dân tộc luôn vang vọng khắp các bon làng.
Thực hiện Đề án “Sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị hiện vật lịch sử, văn hóa đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”, việc nghiên cứu, sưu tầm, phổ biến các giá trị văn hóa cũng mang lại hiệu ứng tích cực. Hiện tỉnh đã xây dựng, biên tập và xuất bản 2 cuốn sách ảnh giới thiệu các gương mặt nghệ nhân tiêu biểu của tỉnh; 2 bộ tư liệu nói về di sản cồng chiêng của 3 dân tộc M’nông, Mạ, Ê đê và 1 bộ tư liệu truyền dạy cồng chiêng trong trường học, cộng đồng; 1 đĩa DVD giới thiệu âm nhạc dân gian của các dân tộc bản địa.
Dựa trên chất liệu dân gian của các dân tộc bản địa, 13 tác phẩm âm nhạc được xây dựng, dàn dựng công phu, hoành tráng, được công chúng đón nhận và giới chuyên môn đánh giá cao. Về phía Bảo tàng tỉnh đã tiến hành sưu tầm được 2.105 hiện vật lịch sử, văn hóa dân tộc và hình ảnh, tài liệu, hiện vật thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa.
Cùng với đó, công tác bảo vệ, trùng tu, tôn tạo và phát huy di tích lịch sử văn hóa cũng được triển khai. Hiện tại, tỉnh đã tiến hành phục dựng buôn văn hóa truyền thống của người Ê đê tại buôn Buôr, xã Tâm Thắng (Chư Jút) và xây dựng 2 bon văn hóa tiêu biểu trong bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống là bon N’Jriêng, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) và bon Pi Nao, xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp).
Trong 5 năm qua, Bảo tàng tỉnh đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát, xây dựng và hoàn chỉnh hồ sơ khoa học đề nghị Nhà nước xếp hạng cho 6 di tích, danh thắng gồm: 1 Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh; 3 Di tích lịch sử cấp quốc gia: Địa điểm bắt liên lạc khai thông đường Hồ Chí Minh đoạn Nam Tây Nguyên đến Đông Nam bộ, Di tích lịch sử lưu niệm N’Trang Gưh, Địa điểm chiến thắng Đồi 722- Đắk Sắk; 1 Di tích lịch sử cấp tỉnh: Chiến thắng Ấp chiến lược Hang No (Đắk Glong).
Đặc biệt, có 3 di tích hoàn thành công tác trùng tu, tôn tạo và đi vào hoạt động phục vụ khách tham quan: Di tích lịch sử Ngục Đắk Mil (Đắk Mil), Di tích lịch sử Căn cứ kháng chiến B4- Liên tỉnh IV, Di tích lịch sử Điểm bắt liên lạc khai thông đường Hồ Chí Minh đoạn Nam Tây Nguyên đến Đông Nam bộ, Các địa điểm về phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của đồng bào M’nông do N’Trang Lơng lãnh đạo.
Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở cũng có những bước chuyển biến tích cực. Bằng việc đẩy mạnh xã hội hóa công tác văn hóa, các địa phương đã huy động được nhiều nguồn lực cùng chung tay xây dựng thiết chế văn hóa, phục vụ đời sống cộng đồng. Hầu hết các thôn, bon, buôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đều đã có nhà sinh hoạt cộng đồng, sân khấu ngoài trời.
Các sân bóng đá, bóng chuyền, nhà thi đấu đa năng được quy hoạch và xây dựng; các câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian ở cơ sở được quan tâm chú trọng tổ chức các hoạt động, tạo sân chơi lành mạnh cho nhân dân, không những làm phong phú đời sống tinh thần mà còn giúp tránh xa các tệ nạn xã hội.
Thông qua các hoạt động của nhà văn hóa thôn, bon, buôn còn góp phần giúp người dân thực hiện tốt các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hiện toàn tỉnh có 80 đội văn nghệ quần chúng thường xuyên hoạt động, giao lưu và tham gia các hội thi, hội diễn văn nghệ, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa cũng như giới thiệu văn hóa đặc trưng của các dân tộc thiểu số đến với công chúng và thu hút khách du lịch.
Báo Đắk Nông