Đắk Lắk: Thiếu nước...giữa mùa mưa

Đắk Lắk: Thiếu nước...giữa mùa mưa

Thủy điện thiếu nước

Anh Đặng Tấn Phúc, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật Công ty Thủy điện Buôn Kuốp cho biết, năm nay lưu lượng nước về các hồ thủy điện Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp và Sêrêpốk 3 thấp hơn so với năm 2014 và trung bình nhiều năm. Cụ thể, tính đến giữa tháng 9-2015, lượng nước trên hồ Buôn Tua Srah (hồ thượng nguồn, trên sông Krông Nô) mới chỉ được: 1,3 tỷ m3 nước, bằng 61% so với cùng kỳ năm 2014; hồ Buôn Kuốp 2,5 tỷ m3 nước, bằng 67% so với cùng kỳ năm 2014; hồ Sêrêpốk 3 là 3,2 tỷ m3 nước, bằng 65% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, đáng lo ngại nhất là hồ Buôn Tua Srah, vì đây là hồ điều tiết năm, điều tiết nguồn nước cho hơn 50% tổng lượng nước các hồ phía sau. Tuy nhiên, mực nước hồ đến thời điểm hiện tại là 467,1 m thấp hơn cùng kỳ năm 2014 là 16,1 m và thấp hơn mực nước dâng bình thường của hồ (MNDBT=487,5 m) là 20,4 m. Anh Phúc cho hay: “Cả ba hồ đều được vận hành theo quy trình điều tiết liên hồ. Hiện tại, mực nước trên cả ba hồ mà Công ty phụ trách đều thấp hơn năm ngoái và bình quân nhiều năm, do đó  mục tiêu tích nước đầy hồ vào cuối năm để điều tiết cho năm sau là khá khó khăn”. 
 

Một góc Thủy điện Buôn Kuốp.
Một góc Thủy điện Buôn Kuốp.

Theo ông Văn Thiên Nhân, Tổng Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp, việc các hồ thủy điện hiện thiếu nước đã ảnh hưởng lớn đến mục tiêu phát điện của Công ty. Theo đó, sản lượng điện thiết kế (bình quân nhiều năm) của 3 nhà máy là 2,87 tỷ kWh. Năm 2015, với tình hình khô hạn của mùa khô 2014 – 2015 nên Công ty đã đặt kế hoạch sản lượng điện đầu năm cho 3 nhà máy là 2,57 tỷ kWh. Thế nhưng, tính đến thời hiện tại tổng sản lượng điện của 3 nhà máy là 1,15 tỷ kWh. “Do ảnh hưởng của đợt hạn hán hồi đầu năm, cộng với tình hình trữ nước trên hồ Buôn Tua Srah như hiện nay, Công ty sẽ không đạt được sản lượng điện như mong muốn. Hiện Công ty chỉ kỳ vọng trong năm nay, sản lượng điện sẽ đạt được khoảng 1,87 tỷ kWh, ước đạt 73% sản lượng điện được giao”, ông Nhân cho biết thêm.

Hồ, đập “mong” mưa

Việc trữ nước đối với các công trình thủy lợi, hồ chứa trong toàn tỉnh cũng gặp không ít khó khăn. Cuối năm 2014, thực hiện Quyết định số 38/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh, về việc phân cấp quản lý khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, các hồ chứa được giao từ địa phương về Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi quản lý. Hiện Công ty đang quản lý 554 công trình, trong đó có: 432 hồ chứa, 107 đập dâng và 15 trạm bơm. Bà Phạm Thị Nhung, Trưởng Phòng Quản lý nước của Công ty cho biết: Hiện toàn tỉnh có 10 hồ có dung tích trên 5 triệu m3 nước (trong đó có 5 hồ lớn với dung tích trên 10 triệu m3). Tính đến nay, đa phần mực nước tại các hồ đều tụt giảm so với cùng kỳ 2014, thậm chí có hồ chỉ mới tích nước được hơn 30%. Cụ thể, tại các hồ lớn của tỉnh, tính đến giữa tháng 9-2015, hồ Krông Búk hạ: mực nước đạt gần 478 m, thấp hơn 3 m so cùng kỳ 2014, dung tích nước chỉ đạt 63%; hồ Buôn Triết (huyện Lắk): mực nước đạt gần 434 m, thấp hơn 4 m so cùng kỳ 2014, dung tích nước chỉ đạt 32,4%; hồ Vụ Bổn (huyện Krông Pắc): mực nước đạt hơn 446 m, thấp hơn 1,5 m so cùng kỳ 2014, dung tích nước chỉ đạt 27,8%; hồ Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột): mực nước đạt gần 417 m, thấp gần 3 m so cùng kỳ 2014, dung tích nước chỉ đạt 54,5%... Trong 419 hồ nước mà Công ty quản lý, có 157 hồ đạt 50 – 80% dung tích (chiếm 35,5%), 124 hồ đạt mực nước dâng bình thường (chiếm 29,6%) và 40 hồ hiện đang ở mực nước chết (chiếm 9,5%). “Từ đầu năm đến nay, mưa rải rác chứ không tập trung, lượng nước các sông, suối đều thấp hơn so với mọi năm. Với tình hình mưa như hiện nay, cũng như việc tích nước trong hồ thấp hơn so với cùng kỳ năm 2014, sẽ ảnh hưởng tới khả năng phục vụ nước cho sinh hoạt và sản xuất vụ đông xuân 2015”, bà Nhung nhận định.

 

Các ngành chức năng kiểm tra mực nước tại hồ Buôn Triết (huyện Lắk).
Các ngành chức năng kiểm tra mực nước tại hồ Buôn Triết (huyện Lắk).

Trong khi đó theo Dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, mùa mưa năm nay đến muộn và kết thúc sớm, đặc biệt là tại khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam bộ. Lượng mưa có thể thiếu hụt 30 – 60%  ngay trong những tháng mùa mưa và hạn hán nghiêm trọng thường diễn ra trên diện rộng trong mùa khô kế tiếp. Ông Bùi Văn Sứng, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh cho biết, từ đầu năm đến nay, lượng mưa trong toàn tỉnh giảm hơn so với trung bình nhiều năm từ 60% cho đến 98%. Theo đó, lượng mưa ở khu vực Tây Nguyên từ tháng 9-2015 đến tháng 2-2016 có khả năng thấp hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 20 đến 50%.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đợt hạn hán vừa qua, toàn tỉnh đã có 200 công trình thủy lợi không còn khả năng hoạt động, trong đó 176 hồ chứa khô cạn, 21 đập dâng không còn dòng chảy và 3 trạm bơm không còn nguồn nước để hoạt động. Lượng nước tại các hồ chứa vừa và lớn chỉ từ 10 - 20% dung tích. Ông Mai Trọng Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Bước vào mùa mưa 2015, công tác kiểm tra các công trình thủy lợi được tiến hành thường xuyên. Các đơn vị quản lý và bảo vệ công trình thủy lợi đã triển khai, rà soát, kiểm tra công trình. Lượng mưa ít khiến đa phần mực nước các hồ đều thấp hơn so với trung bình nhiều năm nên mùa khô năm 2015 – 2016 tình hình hạn hán sẽ diễn ra có phần khốc liệt hơn so với mùa khô năm 2014 – 2015.

Báo Đắk Lắk Điện tử

Có thể bạn quan tâm