Gia đình Chị H’Nhi Adrơng, buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, vay vốn Ngân hàng đầu tư sản xuất. Ảnh: Phạm Cường - TTXVN |
Qua thực tế cũng như hướng dẫn của Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên, khi vườn cà phê già cỗi có độ tuổi từ 20 năm trở lên, năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao mà không bị nhiễm bệnh vàng lá, thối rễ do tuyến trùng và nấm thì các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê không nhất thiết phải thực hiện luân canh các loại cây trồng ngắn ngày khác trên đất đã trồng cà phê.
Các ngành chức năng cũng hướng dẫn cụ thể cho các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê trên địa bàn trước khi trồng tái canh (không luân canh) phải nhổ bỏ cây cà phê già cỗi, cày, rà rễ ngay sau khi thu hoạch (tháng 12, tháng 1) và đưa toàn bộ thân, rễ, lá ra khỏi vườn cà phê để đốt. Sau đó, phơi đất kỹ trong mùa khô, tiếp tục cày thu gom rễ còn sót lại đưa ra khỏi vườn đốt tiêu hủy hết mầm bệnh để chuẩn bị hố trồng tái canh; khi đào hố để trồng tái canh không được đào hố trùng với hố đã trồng cà phê trước đây để tránh tình trạng nhiễm bệnh…
Đối với các vườn cà phê già cỗi, hết chu kỳ kinh doanh, bị nhiễm bệnh vàng lá, thối rễ trung bình, các đơn vị chức năng hướng dẫn các nông hộ, doanh nghiệp cần phải luân canh các loại cây trồng ngắn ngày khác như: đậu đỗ các loại, ngô lai, muồng hoa vàng… một năm trước khi trồng tái canh cà phê trở lại. Với những vườn già cỗi sinh trưởng kém, bị nhiễm bệnh vàng lá nặng, cây cà phê chết nhiều, các nông hộ, doanh nghiệp cần phải thực hiện nghiêm việc luân canh các loại cây trồng ngắn ngày khác từ 2 năm trở lên mới trồng tái canh lại cà phê mới mang lại hiệu quả.
Phần lớn diện tích trồng tái canh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đều được các nông hộ, doanh nghiệp đưa các giống cà phê vối mới như TR4, TR5, TR9, TR11, TR12, TR13… vào trồng đại trà. Đây là các giống cà phê có năng suất cao, chất lượng nhân tốt, khả năng chống chịu bệnh, được thị trường thế giới ưa chuộng. Trong đó có 2 giống cà phê chín muộn (TR14, TR15), chín từ tháng 1 đến tháng 2 đã vào mùa khô nên rất thuận lợi cho việc thu hoạch, chế biến sản phẩm, giảm áp lực công thu hái, nhất là giảm được một đợt tưới so với các giống cà phê chín sớm, chín trung bình.
Dưới sự hướng dẫn của các đơn vị chức năng, gia đình anh Trần Văn Ngoạn, thôn 12, xã Ea Tu (thành phố Buôn Ma Thuột) đã phá bỏ 5 sào cà phê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh, năng suất thấp (chỉ đạt 1 tấn cà phê nhân/ha) không bị nhiễm bệnh sang trồng tái canh ngay và đã sớm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Ngoạn cho biết, sau khi thu hoạch xong vườn cà phê (tháng 12) gia đình tiến hành nhổ bỏ và thực hiện nghiêm theo quy trình hướng dẫn tái canh từ khâu thu gom cây, cành, rễ, lá, đốt tiêu diệt mầm bệnh đến cày, múc hố, phơi đất 6 tháng… Sau đó, gia đình xả hố, đào đất, đưa giống cà phê TR4, TR9 vào trồng, không thực hiện luân canh cây ngắn ngày. Nhờ chăm sóc tốt, áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh nên chỉ sau 4 năm, vườn cây đã cho năng suất bình quân 4,2 tấn cà phê nhân/ha.
Sau khi kiểm tra và nhận thấy gần 200 ha cà phê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh, năng suất kém, nhiễm bệnh tuyến trùng nặng, Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi đã quyết định nhổ bỏ và thực hiện chặt chẽ quy trình tái canh cà phê mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành. Công ty đã tiến hành thực hiện luân canh từ 2 đến 3 năm bằng các loại cây ngắn ngày như: đậu đỗ các loại, ngô lai, trồng xen lẫn hoa muồng vàng…, sau đó mới trồng tái canh cà phê bằng các giống mới TR4, TR5, TR6… Nhờ thực hiện đúng quy trình nên 100% diện tích cà phê trồng tái canh đều phát triển tốt và cho năng suất từ 3 - 5 tấn cà phê nhân/ha.
Từ năm 2011 đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã trồng tái canh được 20.541 ha cà phê, đạt 63,7% kế hoạch tái canh; trong đó mùa mưa năm 2017, tỉnh đã trồng tái canh được 4.023 ha mới, đạt 61% kế hoạch so với kế hoạch tái canh.
Quang Huy