Nông dân xã Cư Huê, huyện Ea Kar phơi quả sachi.Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN |
Năm 2017, gia đình anh Nguyễn Tất Biên, thôn Sơn Lộc, xã Cư Huê, huyện Ea Kar, chuyển đổi 1 ha hồ tiêu bị chết do sâu bệnh sang trồng 1.000 cây sachi. Anh Biên cho biết, cây sachi khoảng 6 - 8 tháng trồng sẽ cho thu hoạch, sachi được thương lái thu mua với giá dao động từ 40.000 – 90.000 đồng/kg quả khô, tùy vào thời điểm và chất lượng quả. Hiện anh Biên có 300 cây sachi trong thời kỳ kinh doanh, vụ thu hoạch đầu tiên, anh Biên thu lãi được 30 triệu đồng từ 300 cây sachi. Theo bà Nguyễn Thị Hậu, thôn Ea Cung, xã Cư Huê, huyện Ea Kar, những năm qua, khi hồ tiêu bị chết hàng loạt, nhiều người dân xã Cư Huê đã tận dụng diện tích hồ tiêu chết và trụ tiêu có sẵn để trồng cây sachi. Tháng 6/2017, gia đình bà Hậu cũng trồng 800 cây sachi trên diện tích 6 sào, chi phí sản xuất khoảng 2 - 3 triệu đồng/sào, được đầu tư chăm sóc tốt nên vụ đầu tiên, bà Hậu thu được 5 tạ quả khô, bán với giá 90.000 đồng/kg, thu lãi hơn 40 triệu đồng, sau khi trừ chi phí sản xuất.
Nông dân xã Cư Huê, huyện Ea Kar thu hoạch quả sachi. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN |
Mặc dù cây sachi bước đầu đem lại thu nhập cho người trồng nhưng ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo, người dân không nên mở rộng diện tích ồ ạt khi thị trường tiêu thụ chưa ổn định. Theo ông Nguyễn Văn Non, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cư Huê, huyện Ea Kar, cây sachi đang đem lại nguồn thu nhập thêm cho nông dân, nhiều hộ đang mở rộng diện tích hoặc trồng mới cây sachi.Tuy nhiên, hiện đầu ra sản phẩm đang phụ thuộc vào sức mua của thương lái tự do nên giá cả biến động liên tục, vì vậy, người dân cần thận trọng khi mở rộng diện tích và chuyển đổi sang trồng sachi. Bà Vũ Thị Thanh Bình, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk cho biết, sachi là cây trồng chưa được công nhận tại Việt Nam, chưa có trong danh mục giống cây trồng được sản xuất tại Việt Nam. Sản phẩm từ cây sachi chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, và quy trình chế biến, sản xuất cũng chưa hình thành, vì vậy cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân không nên mở rộng diện tích ồ ạt, chỉ trồng khảo nghiệm ở các diện tích nhỏ, tránh thiệt hại cho người trồng khi cung vượt quá cầu.
Nông dân xã Cư Huê, huyện Ea Kar thu hoạch quả sachi. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN |
Bên cạnh đó, khi người dân làm việc với các công ty sản xuất sachi cần có hợp đồng sản xuất và thông qua chính quyền địa phương kiểm soát để đảm bảo quyền lợi cho người trồng.Sachi là cây trồng có tên khoa học là Plukenetia volubilis L, có nguồn gốc từ Nam Mỹ, hạt sachi có hàm lượng dinh dưỡng cao, chứa các axit béo, Omega3, Omega9… Sachi được trồng tại Đắk Lắk từ năm 2017 tập trung tại các huyện Krông Búk, Krông Pắc, Krông Năng, Ea Kar, thị xã Buôn Hồ… với tổng diện tích hơn 100 ha.
Tuấn Anh