Đắk Lắk là tỉnh giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh của cả nước. Để phát huy tiềm năng, lợi thế, Đắk Lắk tập trung phát triển nền kinh tế xanh, bền vững, từng bước khẳng định là “thủ phủ” vùng Tây Nguyên…

Kể từ khi được thành lập (năm 1904) dưới thời Toàn quyền Đông Dương, Đắk Lắk đã trải qua nhiều chặng đường chuyển mình và phát triển cùng lịch sử dân tộc. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, Đắk Lắk đã đóng góp nhiều sức người, sức của với hơn 17.100 liệt sĩ và thương binh; 641 mẹ được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Sau ngày giải phóng, Đắk Lắk cùng cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng, lãnh đạo. Từ vùng đất hoang tàn, đổ nát, đời sống nhân dân cực khổ, khó khăn, Đắk Lắk đã vươn mình trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Diện mạo nông thôn khởi sắc, thành thị khang trang, hệ thống điện - đường - trường - trạm y tế - thủy lợi được đầu tư kiên cố. Quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015 - 2024 đạt 6,15%; thu nhập bình quân năm 2024 đạt 74,7 triệu đồng/ người… Các chương trình 134, 135, nông thôn mới… đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.


Để phát triển vùng Tây Nguyên, Trung ương đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách quan trọng. Với Đắk Lắk, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 67-KL/TW, ngày 16/12/2019 về “Xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Quốc hội thông qua Nghị quyết số 72/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk… Đây là những định hướng, căn cứ quan trọng để Đắk Lắk tiếp tục phát triển, có nhiều đóng góp cho vùng và cả nước.


Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung cho biết, với bề dày truyền thống, tầm nhìn xa trong tiến trình phát triển, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Đắk Lắk sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững, ngày càng giàu đẹp, văn minh, góp phần cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển của dân tộc Việt Nam.
Hoài Thu