Chung sức xây dựng Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc

Những ngày này, cùng với cả nước hân hoan vui Tết Độc lập, nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk ý thức sâu sắc hơn về tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ra sức thi đua, học tập, rèn luyện, nguyện chung sức, đồng lòng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, buôn làng giàu đẹp, phát triển.

vna_potal_thanh_pho_buon_ma_thuot_quyet_liet_trien_khai_cac_quyet_sach_cua_trung_uong_7219737.jpg
Thành phố Buôn Ma Thuột triển khai cơ chế chính sách đặc thù của thành phố theo Nghị quyết số 72/2022/QH15, ngày 15/11/2022 của Quốc hội, từng bước đưa thành phố phát triển theo hướng đô thị văn minh, hiện đại, sinh thái, bản sắc, là thành phố đáng sống, đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

* Diện mạo “thay da đổi thịt”

Cách đây 79 năm, mùa thu năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Đảng bộ tỉnh, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của đông đảo thanh niên, học sinh, nhân sĩ tri thức, khoảng 3.000 đồng bào các dân tộc Đắk Lắk đã thành công, góp phần cùng cả nước làm nên thắng lợi của cách mạng tháng Tám. Viết tiếp những chiến công, quân và dân Đắk Lắk tiếp tục chung vai sát cánh làm nên chiến thắng Buôn Ma Thuột, mở màn cho chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng, thúc đẩy nhanh tiến trình của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Đại tá Đặng Đình Đường, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh tỉnh Đắk Lắk, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 470 kể lại, trong những năm kháng chiến gian khổ, người dân Tây Nguyên một lòng son sắt theo cách mạng, quân dân đoàn kết. Sư đoàn 470 là đơn vị hậu cần trực tiếp cung cấp lương thực, thực phẩm, vũ khí, đạn dược cho chiến dịch Tây Nguyên. Đơn vị mở những con đường bí mật xuyên rừng cho bộ đội ta và xe tăng tiến công giải phóng Buôn Ma Thuột; đồng thời trực tiếp chiến đấu và tổ chức lực lượng tiếp quản thị xã. Sau chiến thắng của Chiến dịch Tây Nguyên, ngoài lực lượng phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, những người lính Bộ đội cụ Hồ của Sư đoàn 470 tiếp tục bám trụ lại Tây Nguyên, hỗ trợ nhân dân hàn gắn vết thương chiến tranh.

Ngày đó, đường sá hư hỏng, khung cảnh hoang vu, nhân dân đói ăn, đói mặc. Đối diện với rất nhiều khó khăn, song Sư đoàn 470 nỗ lực giúp đỡ nhân dân ổn định cuộc sống, chung tay kiến thiết tỉnh Đắk Lắk. Qua gần 50 năm, đến nay, đường sá đi lại thông thoáng, kinh tế phát triển và hội nhập. Chứng kiến sự đổi thay qua gần nửa thế kỷ là cảm giác hạnh phúc xen lẫn bùi ngùi, xúc động, Đại tá Đặng Đình Đường chia sẻ.

Đắk Lắk ngày nay đã có hệ thống điện - đường - trường - trạm y tế - thủy lợi được quan tâm đầu tư, kiên cố. Diện mạo nông thôn khởi sắc, thành thị khang trang. Người dân đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ tỉnh thiếu lương thực, đến nay, Đắk Lắk đã sản xuất được hơn 1,3 triệu tấn lương thực/năm. Quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015 - 2024 là 6,15%/năm. Đặc biệt, các chương trình 134, 135, giảm nghèo bền vững, nông thôn mới... mang lại nhiều chuyển biến tích cực cho đời sống nhân dân, giúp bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, sạch, đẹp.

Bà Ksor Y Neh, buôn Gia Rai, xã Ea Kuếh, huyện Cư M’Gar phấn khởi chia sẻ, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống 140 hộ dân trong buôn ngày càng đi lên. Đường sá đi lại và vận chuyển hàng hóa thuận tiện. Người dân chăm chỉ làm ăn, thay đổi nếp nghĩ cách làm, biết trồng cà phê, hồ tiêu, sầu riêng để phát triển kinh tế. Là người có uy tín trong buôn, thời gian tới, bà Ksor Y Neh tiếp tục vận động nhân dân vươn lên phát triển kinh tế, đoàn kết xây dựng buôn làng, bảo tồn văn hóa, thực hành tiết kiệm.

Những ngày này, đi trong nắng mới, dưới ngọn cờ quang vinh của Đảng, nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk thấy lòng phơi phới trước sự đổi thay, phát triển của quê hương. Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, lễ hội sầu riêng được tổ chức để nhân dân 49 dân tộc và du khách vui Tết độc lập.

vna_potal_dak_lak_chuong_trinh_bieu_dien_van_hoa_cong_chieng_phuc_vu_nhan_dan_va_du_khach_nam_2024_7213227.jpg
Du khách và người dân địa phương cùng múa xoang tại chương trình biểu diễn văn hóa cồng chiêng phục vụ nhân dân và du khách năm 2024 tại Quảng trường 10/3, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Ảnh: Hoài Thu – TTXVN

* Phát huy truyền thống cách mạng

Để phát triển vùng Tây Nguyên, thời gian qua, Trung ương quan tâm, ban hành nhiều nghị quyết, chính sách quan trọng. Đối với địa phương, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 67-KL/TW, ngày 16/12/2019 về “Xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Quốc hội thông qua Nghị quyết số 72/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk… Đây là những định hướng, căn cứ quan trọng để tỉnh triển khai phát triển trong thời gian tới, kỳ vọng tạo được bước chuyển biến mới với nhiều đóng góp cho vùng và cả nước.

Ông Hoàng Danh Hữu, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ nông trại EDE (MISS EDE) thông tin, thời gian qua, tỉnh quan tâm thúc đẩy, lan tỏa phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp. Đặc biệt, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại là thế mạnh của tỉnh. Bên cạnh đó, trong Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, thành phố Buôn Ma Thuột sẽ có thêm 2 khu công nghiệp xanh. Doanh nghiệp kỳ vọng sớm có thông tin quy hoạch rõ ràng về các khu công nghiệp. Đồng thời kiến nghị tỉnh có chính sách ưu tiên cho ngành nghề thế mạnh, có chính sách ưu đãi để doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy nông sản chế biến chuyên sâu.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà cho biết, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định cụ thể mục tiêu phát triển của tỉnh gắn với 5 đột phá, 4 nhiệm vụ trọng tâm. Các nhiệm vụ trọng tâm tỉnh cần giải quyết trong thời kỳ quy hoạch là: Sản xuất hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn; phát triển mạng lưới đô thị, trước hết ưu tiên nguồn lực đầu tư, mở rộng địa giới hành chính thành phố Buôn Ma Thuột… Đồng thời, đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng kết nối; bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, hài hòa.

Về giải pháp, theo ông Nguyễn Tuấn Hà, tỉnh đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra; đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Đồng thời, tỉnh tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đạt và vượt, tập trung nguồn lực thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra; quan tâm phát triển văn hóa, xã hội hài hòa và tương xứng, ngang tầm với phát triển kinh tế, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đồng thời củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Là người có nhiều đóng góp trong thời chiến và thời bình, ông Lê Chí Quyết, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, tỉnh cần tiếp tục củng cố, phát huy khối đại đoàn kết dân tộc - sức mạnh nội sinh từ lòng dân. Bên cạnh đó, tỉnh cần chú trọng xây dựng tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở vững mạnh, nâng cao năng lực của lực lượng ở cơ sở. Khi tổ chức Đảng ở cơ sở mạnh sẽ thúc đẩy phát triển về mọi mặt.

Mừng 79 năm ngày Quốc khánh - 79 năm đất nước nở hoa, nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk càng quý trọng hơn độc lập, tự do, biết ơn bao thế hệ cha anh đã anh dũng hy sinh. Đảng bộ, chính quyền, quân và dân toàn tỉnh tiếp tục đoàn kết, thống nhất, phát huy truyền thống cách mạng, nỗ lực xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh, bản sắc.

Hoài Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm