Đắk Lắk đặt mục tiêu 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương cho biết, sau hơn 13 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, sạch, đẹp. Tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu đến hết năm 2025, tỉnh có 100 xã, 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

vna_potal_dak_lak_buon_lang_don_tet_doc_lap_6935703.jpg
Đường cờ Tổ quốc tại thôn 4, xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 78 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2023). Ảnh: TTXVN phát

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn cho rằng, nhiệm vụ của tỉnh trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2024 - 2025 là rất quan trọng. Do đó, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, linh hoạt, đổi mới, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn và đề ra giải pháp thực hiện chương trình cụ thể.

Ngoài ra, toàn tỉnh phải nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới; nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới. Tỉnh huy động tối đa các nguồn lực để hỗ trợ, đầu tư cho xây dựng nông thôn mới, nhất là những địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thúc đẩy quá trình số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới…

Qua triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về chương trình ngày càng được nâng lên, hưởng ứng tích cực phong trào thi đua "Đắk Lắk chung sức xây dựng nông thôn mới". Đặc biệt, người dân nông thôn đã ý thức cao về lợi ích và vai trò chủ thể của mình, tự giác tham gia bàn bạc, hiến kế, đóng góp vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Giai đoạn 2021 - 2023, người dân đã hiến trên 93.000m2 đất, hơn 54.000 ngày công lao động và đóng góp hơn 113 tỷ đồng... để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn nông thôn mới của tỉnh. Đến nay, tỉnh có 78 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 51,6%, tăng 12 xã so với năm 2020; có 5 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 1 đơn vị cấp huyện (thành phố Buôn Ma Thuột) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tỉnh có 240 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên.

Tổng nguồn vốn ngân sách Nhà nước giao thực hiện chương trình giai đoạn 2021 - 2023 đạt hơn 1.101 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương hơn 503,5 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 597,4 tỷ đồng. Giai đoạn này, tỉnh đã giải ngân được gần 960,3 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 87,2%. Các địa phương trên địa bàn tỉnh không để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, số xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh Đắk Lắk chưa đạt mục tiêu năm 2023 (kế hoạch là 86 xã); vẫn còn 2 xã là Ea Dăh (huyện Krông Năng) và Cư San (huyện M'Drắk) đạt dưới 10 tiêu chí. So sánh kết quả thực hiện chương trình, tỉnh Đắk Lắk đều thấp hơn so với bình quân của vùng Tây Nguyên và cả nước ở các tiêu chí.

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 được điều chỉnh và có yêu cầu cao so với Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.

Bên cạnh đó, vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Trung ương phân bổ cho tỉnh Đắk Lắk để thực hiện chương trình giai đoạn 2021 - 2025 là 716,96 tỷ đồng (thấp hơn 166,24 tỷ đồng so với giai đoạn 2016 - 2020). Tỉnh Đắk Lắk còn 73 chưa đạt chuẩn nông thôn mới là các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Nhiều xã có diện tích rộng, người dân ở không tập trung, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều cao... Đây là những khó khăn của tỉnh trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Hoài Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm