Đặt chân đến mảnh đất xã biên giới Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ (Lai Châu), du khách không chỉ được hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên, mà còn được thưởng thức những phong tục, tập quán độc đáo, trong đó có phiên chợ của đồng bào dân tộc Mông nơi biên cương Tổ quốc.
Những ngày đầu năm mới Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ nằm ở độ cao gần 1.500 mét so với mực nước biển, mùa nào cũng vậy, cảnh sắc nơi đây đều đẹp. Đi dọc trên cung đường uốn lượn quanh co, với sương mù phủ trắng khắp các triền núi khiến vùng quê biên giới càng trở nên hùng vĩ và hấp dẫn du khách. Đặc biệt, hoa đào, địa lan nở bung vào mùa Xuân.
Khi đặt chân tới bản Sin Suối Hồ, gặp đúng khung cảnh chợ phiên vùng cao, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước nét hoang sơ, truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. Chợ nơi đây không chỉ là nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa thông thường mà còn là không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc trưng của đồng bào Mông nơi biên cương Tổ quốc. Ghé thăm chợ, không khí mua sắm ở chợ rất đông vui, nhộn nhịp, không chen lấn, xô đẩy mà con người cư xử rất nhẹ nhàng, văn minh.
Sản phẩm bày bán chủ yếu là nông sản do bà con nuôi, trồng hoặc thu hái từ rừng, hoặc những bộ trang phục truyền thống do các bà, các mẹ thêu thùa, may dệt. Tận dụng thời gian rảnh không có khách, các bà, các mẹ tranh thủ thêu những tấm thổ cẩm bắt mắt, thu hút khách du lịch.
Chị Sùng Thị Mẩy, tiểu thương ở chợ chia sẻ: Gia đình chị ở trong bản Sin Suối Hồ, phiên chợ nào chị cũng mang trang phục, tấm thổ cẩm đến bày bán tại chợ. Các sản phẩm này đều được chị làm bằng tay và bán rất chạy. Nhất là những ngày đầu năm mới bà con đi chợ mua sắm rất đông vui, nhộn nhịp họ mua những vật dụng để chuẩn bị may quần áo cho cả năm mới. Ngoài ra, trong chợ còn bày bán đồ gia dụng, đồ dùng sinh hoạt thường ngày để phục vụ nhu cầu của người dân. Cùng đó, còn có những gian hàng ẩm thực được bày riêng một khu để du khách có không gian thưởng thức các món ăn truyền thống.
Đặc biệt, khi tới thăm phiên chợ hầu hết các du khách đều ấn tượng nhất hoạt động ở chợ không có cảnh kỳ kèo ngã giá, bớt một thêm hai. Người bán chỉ bán duy nhất một giá mà không hề thay đổi dù món hàng đó đến tan chợ không ai mua. Kể cả rau, quả có héo thì bà con cũng không hạ giá, cho dù phải mang về nhà nhưng họ nhất quyết không bán đổ, bán tháo. Cách bán này cũng thể hiện phẩm chất thật thà, trung thực và thẳng thắn của đồng bào Mông.
Du khách Nguyễn Thu Trang, ở tỉnh Điện Biên vui vẻ nói: Khi chị đặt chân lên mảnh đất này, chị thấy con người ở đây rất hiền hòa, thân thiện và mến khách. Người dân không bị đô thị hóa, họ vẫn mang đậm nét mộc mạc, chân chất của người Mông. Đặc biệt, vẫn gìn giữ được các nghề truyền thống, phong tục trong sinh hoạt hàng ngày.
Còn du khách Đoàn Ngọc Luận đến từ thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Ở một bản vùng sâu, vùng xa trong những ngày đầu năm mới phiên chợ diễn ra rất đặc sắc, nhộn nhịp. Chợ ở đây sạch sẽ, không rác thải và con người thân thiện, họ vẫn giữ được tất cả nét văn hóa của dân tộc mình.
Theo già làng trong bản Sin Suối Hồ, trước đây trên địa bàn xã Sin Suối Hồ không có chợ. Muốn đi chợ, bà con phải xuống tận chợ trung tâm xã Mường So, huyện Phong Thổ hoặc chợ San Thàng, thành phố Lai Châu cách khoảng 20 - 30 km. Nhưng từ năm 2014, khi bản Sin Suối Hồ sắp được công nhận là bản du lịch cộng đồng, người dân trong bản đã tụ họp với nhau. Họ bàn bạc việc xây dựng chợ với mục tiêu chợ vừa là nơi trao đổi, mua bán, sinh hoạt của bà con sở tại và vừa để thu hút thêm khách du lịch đến địa phương. Để có mặt bằng xây dựng chợ, Trưởng bản Sin Suối Hồ Vàng A Chỉnh đã tự nguyện hiến gần1.000 m2 đất của gia đình để san gạt, quy hoạch thành chợ. Các hộ được huy động để trồng cây xanh, kê đá, đóng cọc dựng các gian hàng trong chợ. Ngày đầu chợ chỉ có 5 đến 7 chiếc lán nhỏ, nhưng đến nay, bà con đã mở rộng được hơn 70 gian hàng.
Ông Vàng A Chỉnh, Trưởng bản Sin Suối Hồ cho biết: Cũng như các phiên chợ vùng cao, chợ Sin Suối Hồ được họp phiên vào thứ bảy hàng tuần và diễn ra từ sáng sớm đến 11 - 12 giờ trưa. Người Mông bản Sin Suối Hồ đến nay vẫn giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng, từ trang phục truyền thống đến các món ăn ẩm thực. Vào phiên chợ hay dịp khách du lịch tới thăm, bà con còn tụ tập giao lưu văn nghệ để du khách thưởng thức.
Thực tế cho thấy, việc xây dựng chợ phiên Sin Suối Hồ đã giúp bà con gìn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc. Mặt khác, giúp bà con xóa bỏ tư tưởng tự cung tự cấp, quen với cách buôn bán để tạo ra các sản phẩm nông sản mang tính hàng hóa. Cùng đó, tạo điều kiện để người phụ nữ dân tộc Mông được ra ngoài, giao lưu, khẳng định vị trí của của mình trong gia đình và xã hội.
Nguyễn Oanh