Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hòa Vang hướng dẫn ông Đặng Văn Nhân, xã Hòa Ninh trồng bưởi theo mô hình nhà lưới. Ảnh: Đinh Văn Nhiều-TTXVN |
Bà Vũ Thị Bích Hậu - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng cho biết, được sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua chương trình nông thôn miền núi, thời gian qua, Sở đã tập trung triển khai hỗ trợ vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân thực hiện các dự án bước đầu đã thu được kết quả khả quan. Từ năm 2010 đến nay, Sở đã thực hiện được 8 dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi, tập trung vào các mô hình như trồng nấm, nuôi thỏ, nuôi dê thâm canh, trồng hoa lan Mokara cắt cành, trồng bưởi da xanh... Từ các mô hình này, nhiều hộ gia đình nghèo đã vươn lên làm giàu, góp phần tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động tại địa phương.
Theo bà Vũ Thị Bích Hậu, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Đà Nẵng đang tập trung hỗ trợ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Hòa Vang, giúp ngành nông nghiệp thành phố chủ động trong việc sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân.
Tháng 5/2013, mô hình nuôi thỏ Niu-di-lân được triển khai ở 4 hộ tại huyện Hòa Vang, với tổng số 200 con. Qua đánh giá thực tế cho thấy, giống thỏ ngoại này rất dễ nuôi, chủ yếu là rau cỏ, lá cây, đàn thỏ khỏe mạnh, phát triển tốt, đạt trọng lượng từ 3 - 4 kg/con. Số thỏ trên đã cho phối giống đạt kết quả tốt, trung bình thỏ sinh sản đạt 9 - 10 con/lứa. Với giá thị trường thỏ thịt hiện nay là 90.000 đồng/kg, mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ nuôi và hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp trên địa bàn huyện Hòa Vang.
Mô hình trồng bưởi da xanh của gia đình ông Đặng Văn Nhân, thôn Đông Sơn, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) mang lại hiệu quả với mức thu nhập trên 100 triệu đồng/năm từ 0,5 ha bưởi. Ảnh: Đinh Văn Nhiều-TTXVN |
Gia đình anh Hoàng Văn Khánh, trú tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng là một trong 4 hộ được hỗ trợ thỏ giống từ dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi. Anh Khánh cho biết, năm 2013, chương trình nông thôn miền núi đã hỗ trợ gia đình 50 con thỏ giống, gia đình anh đã vay mượn thêm để mua thỏ giống và xây dựng trang trại. Nhờ sự hướng dẫn chăm sóc đúng kỹ thuật của cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang, đến nay tổng đàn của gia đình anh đã trên 600 con, mỗi tháng gia đình anh xuất từ 80 - 100 kg thỏ thịt ra thị trường, trừ chi phí anh thu về từ 7- 8 triệu đồng tiền lãi/tháng.
Theo anh Khánh, hiện nay, đầu ra cho thỏ thịt khá thuận lợi, thị trường tiêu thụ mạnh, do đó thời gian tới, gia đình anh Khánh sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trang trại, nhân rộng mô hình nuôi thỏ.
Mô hình trồng bưởi da xanh của gia đình ông Đặng Văn Nhân, trú tại thôn Đông Sơn, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang thực sự đem lại hiệu quả và trở thành niềm mơ ước của các hộ nông dân tại địa phương, với mức thu nhập 100 triệu đồng/năm từ 0,5 ha bưởi. Thành công từ mô hình bưởi hôm nay đối với ông Nhân là điều bất ngờ bởi ban đầu đây chỉ là cây ăn quả trong nhà không được chăm sóc.
Với gia đình ông Nhân, cây bưởi chính là đặc sản mà thiên nhiên ban tặng, tuy không được chăm sóc nhưng bưởi cho ra rất nhiều trái, cùi mỏng, tép đỏ tươi, mọng nước và ăn rất ngọt. Nhận thấy cây mang lại giá trị kinh tế cao, năm 2010, ông Nhân đã chiết cành để trồng 100 cây trên diện tích 0,5 ha. Đến nay, 100 cây bưởi cho thu hoạch mỗi năm 2 vụ, với giá bán trung bình từ 20.000 - 22.000 đồng/kg, trừ chi phí, ông Nhân thu về 100 triệu đồng/năm.
Để phát triển mô hình trồng bưởi da xanh, năm 2018, được sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua chương trình nông thông miền núi, UBND huyện Hòa Vang đã xây dựng đề án "Trồng nhân rộng phát triển mô hình trồng bưởi ở xã Hòa Ninh" với diện tích trên 10 ha. Được sự hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang, gia đình ông Đặng Văn Nhân đã bắt tay vào xây dựng mô hình nhân giống bưởi da xanh trên diện tích hơn 1 ha.
Mô hình nuôi thỏ Niu-di-lân của gia đình anh Hoàng Văn Khánh, trú tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang mang lại hiệu quả kinh tế với mức thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Ảnh: Đinh Văn Nhiều-TTXVN |
Với số vốn hỗ trợ hơn 300 triệu đồng, gia đình ông Nhân đã xây dựng hai nhà lưới để nhân giống những cây bưởi da xanh bố mẹ. Nhờ sự cần mẫn, chịu khó học hỏi, đặc biệt là sự hỗ trợ về giống cũng như chuyển giao khoa học kỹ thuật của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hòa Vang, đến nay gia đình ông Nhân đã nhân giống được hàng trăm cây bưởi da xanh bố mẹ. Hiện, diện tích bưởi của gia đình ông Nhân đã nhân rộng lên gần 2 ha.
Ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng khẳng định, chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi của Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ thành phố Đà Nẵng thực sự đem lại hiệu quả tại địa phương. Nhiều mô hình như trồng hoa lan Mokara cắt cành, mô hình trồng nấm, mô hình nuôi dê thâm canh, trồng bưởi da xanh... đã trở thành những nghề mới, hướng đi mới của huyện giúp giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng nghìn lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Mô hình nuôi thỏ Niu-di-lân của gia đình anh Hoàng Văn Khánh, trú tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang mang lại hiệu quả kinh tế với mức thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Ảnh: Đinh Văn Nhiều-TTXVN |
Theo ông Đặng Phú Hành, hiện nay hầu hết các mô hình này còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún theo hộ gia đình, đầu ra một số sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy trong thời gian tới, huyện sẽ quy hoạch lại các mô hình sản xuất theo mô hình hợp tác xã, tiếp thu ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm nhân rộng các mô hình để ngành nông nghiệp của huyện phát triển theo hướng bền vững. Đồng thời, huyện kiến nghị Bộ Khoa học và công nghệ, UBND thành phố Đà Nẵng tiếp tục hỗ trợ huyện tiếp nhận, chuyển giao các công nghệ tiên tiến, hiện đại trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, thủy sản, vật nuôi, đa dạng hóa sản phẩm nhất là các đối tượng có hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.
Đinh Văn Nhiều