Chiều 1/6, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
Đồng chủ trì hội thảo có các Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc: Nông Quốc Tuấn, Lê Sơn Hải, Hoàng Thị Hạnh. Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương và đại diện các tỉnh, thành phố.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải nhấn mạnh, dự thảo Thông tư được xây dựng trên nguyên tắc gắn kết chặt chẽ giữa Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án, chính sách khác đang thực hiện trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Thông tư cũng được xây dựng với tinh thần công khai, minh bạch, dân chủ từ cơ sở, đúng đối tượng, đúng định mức, phát huy tinh thần vươn lên của người dân và cộng đồng; đảm bảo sự tham gia, giám sát của người dân trong quá trình bình xét đối tượng và triển khai các nội dung hỗ trợ của dự án, trong đó ưu tiên các đối tượng khó khăn hơn như: các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù; đối tượng là nữ dân tộc thiểu số; đối tượng thuộc nhóm bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ... trên địa bàn.
Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: Chính phủ có giao cho Bộ Xây dựng phối hợp với Ủy ban Dân tộc thực hiện nội dung số 2 của Dự án 1. Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng đã có văn bản góp ý gửi Ủy ban Dân tộc về nội dung này. Dự thảo Thông tư đã tiếp thu và chỉnh sửa, tuy nhiên qua xem xét một số nội dung có liên quan, ông Hà Quang Hưng cho rằng cần làm rõ hơn những khái niệm đã được nêu, nhất là tại Khoản 3 Điều 3 về giải thích từ ngữ: “Nhà tạm, nhà dột nát là loại nhà xây dựng bằng các vật liệu tạm thời, dễ cháy, có niên hạn sử dụng dưới 5 năm hoặc không đảm bảo 3 cứng (nền cứng, khung cứng, mái cứng), thiếu diện tích ở, bếp, nhà vệ sinh theo quy định, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng”.
Cụ thể, ông Hà Quang Hưng đề nghị cần bổ sung, làm rõ hơn các khái niệm về “vật liệu tạm thời, dễ cháy”, về “thiếu diện tích đất ở”; đồng thời dự thảo cũng cần nêu cụ thể hơn về quy trình, tiến độ giải ngân hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà ở được nêu tại Mục 2, trang 7 để cấp xã và cấp thôn – những đơn vị trực tiếp thực hiện có cơ sở triển khai minh bạch, tránh khiếu kiện.
Góp ý kiến tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lò Văn Tiến cho rằng, để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 ở các địa phương, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phải là đầu mối điều phối công việc cho các sở, ngành, cơ quan, đơn vị... liên quan để tạo sự hài hòa, hợp lý trong phân công nhiệm vụ.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã đóng góp ý kiến nhằm xây dựng dự thảo Thông tư theo hướng đa dạng hóa và lồng ghép các nguồn lực thực hiện chính sách; tăng cường sự phối hợp giữa nhà nước, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có liên quan; bố trí nguồn lực thực hiện hỗ trợ đồng bộ để đạt mục tiêu đề ra. Các yếu tố giá trị văn hóa, tri thức truyền thống, thiết chế cộng đồng cần được chú trọng trong quá trình xây dựng dự thảo Thông tư, đồng thời đảm bảo yếu tố bình đẳng giới, giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hiền Hạnh