Ngày 19/5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức hội nghị bàn giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự các xã biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng miền núi của tỉnh.
Hội nghị đã nghe Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Bình Lê Văn Bảo trình bày dự thảo Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự các xã biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng miền núi của tỉnh giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030. Theo đó, Nghị quyết này gồm 4 phần: Đánh giá tình hình; quan điểm; mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp; tổ chức thực hiện. Dự thảo Nghị quyết được xây dựng sát với thực tiễn các xã biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng miền núi; các nhóm giải pháp khoa học, đồng bộ nhằm khai thác hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh của các địa phương và đồng bào.
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng nhấn mạnh, Hội nghị được tổ chức vào Ngày sinh nhật Bác Hồ kính yêu (19/5), đồng thời hướng tới kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình (16/6/1957-16/6/2022), cũng là ngày đồng bào Vân Kiều trên dãy Trường Sơn mang họ Bác Hồ. Bí thư Tỉnh ủy nêu rõ, lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt đối với đồng bào các dân tộc thiểu số. Người cho rằng, đồng bào Kinh và đồng bào các dân tộc thiểu số “đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt”.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình khẳng định, việc ban hành Nghị quyết là nhiệm vụ hết sức quan trọng của cả hệ thống chính trị, có ý nghĩa báo công dâng Bác nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình. Đồng thời đề nghị các đại biểu cần tiếp tục phát huy năng lực, trách nhiệm, tăng cường đoàn kết, cùng với Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh sớm đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống, xây dựng các xã biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng miền núi của tỉnh Quảng Bình ngày càng phát triển.
Tại hội nghị, các ý kiến đánh giá cao nội dung báo cáo và dự thảo Nghị quyết; đồng thời có kiến nghị, đề xuất, nhằm bổ sung hoàn thiện báo cáo, dự thảo như: Cần xây dựng các kế hoạch, đề án chuyên ngành; rà lại vấn đề quy hoạch, quản lý quy hoạch đất ở, đất sản xuất cho bà con đồng bào dân tộc; lồng ghép các nguồn lực, các chương trình, dự án để phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; phát huy và khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của từng vùng trong phát triển kinh tế…
Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã giải đáp đối với một số kiến nghị, đề xuất của các đại biểu; đồng thời bổ sung các ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Bình có tổng diện tích tự nhiên khoảng 3.845 km2. Trong đó có 9 xã có biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào với chiều dài trên 222 km; tổng dân số gần 11.000 hộ, 45.400 người; sinh sống tập trung theo cộng đồng ở các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy. Bru-Vân Kiều và Chứt là hai dân tộc thiểu số có số dân đông nhất với trên 26.000 người. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 69,52%.
Thời gian qua, công tác phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, an ninh trật tự các xã biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng miền núi của tỉnh Quảng Bình được chú trọng. Hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm xá… được đầu tư xây dựng khá đồng bộ. 100% xã có đường giao thông đến trung tâm xã; 88,23% xã có điện lưới quốc gia; 100% xã có trạm y tế; 100% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, sóng di động. Một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả cao. Giáo dục đào tạo có bước phát triển khá; bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số được bảo tồn, giữ gìn và phát huy; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, triển khai bằng nhiều chính sách. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng; quốc phòng an ninh được đảm bảo.
Đức Thọ