Cứu sống bệnh nhân ngừng tuần hoàn bằng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy

Bệnh nhân Dương Công Dũng đã ổn định sức khoẻ sau khi được điều trị. Ảnh: Quân Trang-TTXVN
Bệnh nhân Dương Công Dũng đã ổn định sức khoẻ sau khi được điều trị. Ảnh: Quân Trang-TTXVN

Thông tin từ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, các bác sỹ Khoa Hồi sức tích cực, chống độc của bệnh viện vừa cứu sống một bệnh nhân ngừng tuần hoàn bằng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy.

Cứu sống bệnh nhân ngừng tuần hoàn bằng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy ảnh 1Bệnh nhân Dương Công Dũng đã ổn định sức khoẻ sau khi được điều trị. Ảnh: Quân Trang-TTXVN

Bệnh nhân Dương Công Dũng (59 tuổi, thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn) bị điện giật trong quá trình rửa xe lúc 16 giờ ngày 30/6, được đưa vào cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện Bắc Sơn trong tình trạng hôn mê, ngừng tim. Tại đây, sau khi được cấp cứu ngừng tuần hoàn trong khoảng 30 phút, tim bệnh nhân đập trở lại. Bệnh nhân được đặt ống nội khí quản, thở máy và chuyển về Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.

Bác sỹ Nguyễn Thị Thu Cúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, chống độc, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê, đồng tử hai bên co nhỏ, phải thở máy và duy trì thuốc vận mạch. Ngay sau khi hội chẩn, các bác sỹ đã điều trị cho bệnh nhân theo phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy. Đến nay, bệnh nhân đã tỉnh táo, sức khoẻ tiến triển tốt, không có di chứng về thần kinh và đầu tuần tới có thể xuất viện.

Theo Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Cúc, hạ thân nhiệt chỉ huy là phương pháp dùng kỹ thuật làm lạnh hạ thân nhiệt người bị nạn xuống 33 độ C trong 24 giờ với tác dụng ngăn chặn quá trình rối loạn chuyển hóa tế bào sau khi ngừng tim, vì tim không còn co bóp để đưa máu đến cơ thể gây ra các tế bào bị rối loạn, đặc biệt là tế bào não. Khi các tế bào não bị tổn thương sẽ rất khó hồi phục hoặc để lại các di chứng cho bệnh nhân, việc can thiệp kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy sẽ làm giảm các tổn thương, ngăn chặn quá trình rối loạn tế bào, các tổn thương.

Kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy được áp dụng tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên gần ba năm qua và kịp thời cứu chữa nhiều bệnh nhân rơi vào tình trạng ngừng tuần hoàn.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Cúc khuyến cáo, với bệnh nhân ngừng tim, việc cấp cứu ban đầu tại tuyến trước rất quan trọng, sau đó cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến ngay các cơ sở y tế đủ điều kiện để tiếp tục điều trị. Kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy đạt hiệu quả cao trong 6 giờ đồng hồ từ khi người bệnh ngừng tuần hoàn.

Trần Trang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm