Anh Khanh với các bịch nấm sò đang kỳ thu hoạch. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN |
Năm 1998, sau khi hết thời gian phục vụ trong quân ngũ, anh học lớp cao đẳng xây dựng tại Hà Nội. Trở về Kon Tum, anh Khanh đi dạy tại Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Đăk Hà, sau đó chuyển sang Trung tâm dạy nghề ở địa phương.
Năm 2010, trong một lần đi tham quan các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi tại huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh, anh Khanh thấy mô hình trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế cao nên đã ấp ủ giấc mơ làm nấm.
Năm 2012, anh Khanh một lần nữa tiếp cận với mô hình trồng nấm ở trại nấm của cô Danh, huyện Krong A Na, tỉnh Đăk Lăk, anh đã đặt vấn đề muốn học cách trồng nấm và triển khai mô hình nấm này tại Kon Tum. Anh vừa học hỏi kinh nghiệm thực tế vừa tìm tòi nghiên cứu và triển khai mô hình trồng nấm ngay tại nhà.
Nhờ tích góp được một số vốn và vay thêm ngân hàng, tháng 8/2015, anh Khanh mạnh dạn đầu tư mở trại trồng nấm giống với diện tích 100 m2, gồm 4 loại nấm: Linh chi, mèo, sò, rơm. Một năm anh trồng ba đợt, mỗi đợt cho ra 8.000 phôi giống.
Cuối năm 2015, anh lần lượt cung cấp cho thị trường 5.000 bầu nấm mèo với 2,5 tạ sản phẩm, thu 23 triệu đồng; 5.000 bầu nấm linh chi cho 1,5 tạ sản phẩm, thu 80 triệu đồng; 12.000 phôi nấm sò cho 5,6 tấn sản phẩm, thu 100 triệu đồng và 4 tạ nấm rơm.
Trại trồng nấm của anh bước đầu đã cho kết quả. Lợi nhuận thu được anh trả nợ ngân hàng và tiếp tục đầu tư cho trại trồng nấm giống. Đầu năm 2017, anh nâng cấp và hoàn chỉnh toàn bộ khu trại với tổng diện tích 1.500 m2, trong đó 900 m2 nuôi nấm, 300 m2 ươm giống… Các thiết bị, máy móc phục vụ nhân giống, nuôi trồng nấm được anh Khanh tự sáng chế để phù hợp với tính chất công việc và tiết kiệm chi phí như máy sàng mùn, máy đập bịch, máy phây mùn, máy trộn…
Anh Khanh với các tai nấm linh chi đang kỳ thu hoạch. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN |
Hiện nay, sản phẩm nấm của anh Khanh được phân bổ tại nhiều hệ thống siêu thị trong cả nước, với các đầu mối ở Kon Tum, Phú Yên, Đà Nẵng, Sài Gòn… Mô hình trồng nấm giống của anh Khanh mang lại hiệu quả, đã được nhiều người trong tỉnh tìm đến học hỏi. Anh còn chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng nấm cho các huyện trong tỉnh Kon Tum và tỉnh Phú Yên.
Anh Lê Ngọc Khanh cho biết: “Những cố gắng của tôi nay đã có kết quả. Tôi rất vui vì mọi thứ cũng trở về quỹ đạo vốn có của nó. Nấm với tôi là một thứ đam mê. Sắp tới, tôi sẽ trồng thử nghiệm 5.000 phôi giống nấm đùi gà.”
Hiện anh Khanh đang trồng thử nghiệm nấm linh chi, cấy mô trực tiếp vào cây cao su tại làng Kô Xia 2, xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) và bước đầu đã cho kết quả khả quan, các tai nấm linh chi phát triển tốt.
Hồng Điệp