Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Sóc Trăng Lê Trung Hậu cho biết: Hội Cựu chiến binh tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của hội viên, gắn với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Các cấp Hội bằng nhiều cách làm hay, hiệu quả giúp đỡ hội cựu chiến binh nghèo vươn lên thoát nghèo, chủ động xây dựng, nhân rộng mô hình, phương thức sản xuất phù hợp như mô hình “tôm - lúa”, “vườn - ao - chuồng”, “vườn - ao - chuồng - rừng”, nuôi lợn nái, nuôi tôm; mô hình nuôi ba ba, rắn, lươn, cá kết hợp trồng lúa mô hình trồng màu luân canh, nhiều mô hình sản xuất kinh doanh do hội viên cựu chiến binh làm chủ thu hút nhiều lao động góp phần giải quyết việc làm cho cựu chiến binh và nhân dân. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại do cựu chiến binh làm chủ khắc phục khó khăn, bảo đảm sản xuất, việc làm cho người lao động. Đặc biệt, Hội Doanh nhân cựu chiến binh đã tạo nhiều việc làm cho cựu chiến binh, con em cựu chiến binh. Trong hoạt động thiện nguyện Hội đã kịp thời tương trợ, giúp đỡ, hỗ trợ xây nhà cho cựu chiến binh khó khăn về nhà ở.
Điển hình như Hội Cựu chiến binh xã Gia Hòa 2 (huyện Mỹ Xuyên) có mô hình Tổ hợp tác trồng màu đa canh của Chi hội Cựu chiến binh ấp Thuận Hòa với 24 thành viên tham gia. Từ mô hình này, mỗi năm thu về lợi nhuận từ 80 triệu đến 150 triệu đồng/hộ, giúp cho Chi hội Cựu chiến binh ấp Thuận Hòa không còn hội viên nghèo. Hội Cựu chiến binh xã còn có mô hình sản xuất quanh nhà với 100% cán bộ, hội viên thực hiện. Theo Chi hội trưởng kiêm Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng màu đa canh Chi hội Cựu chiến binh ấp Thuận Hòa Nguyễn Thành Bình, từ lợi thế của địa phương về khí hậu, thổ nhưỡng, Chi hội đã khuyến khích hội viên phát huy thế mạnh là trồng rau màu đa canh và tùy theo điều kiện của từng hộ cho phù hợp. Hiện tại, số lượng rau màu do các thành viên trong tổ đều được bao tiêu, có đầu ra ổn định nên mọi người rất an tâm sản xuất.
Hội Cựu chiến binh xã Tân Thạnh, huyện Long Phú không chỉ là điển hình về mô hình góp vốn, xây dựng Quỹ Đồng đội mà còn xây dựng được nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình nuôi heo nái, mô hình nuôi cá ao, mương, vườn, mô hình nuôi dê, nuôi bò thịt…cho thu nhập bình quân từ 50 triệu đồng trở lên/mô hình. Đặc biệt là mô hình nuôi bò sinh sản của cựu chiến binh ấp Tân Hội cho thu nhập từ 160 - 200 triệu đồng/hội viên.
Năm năm qua (2017-2022), Hội Cựu chiến binh các cấp tỉnh Sóc Trăng đã vận động hội viên góp vốn trên 17,2 tỷ đồng, giúp cho hơn 5.520 lượt hội viên vay không tính lãi; vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội trên 252 tỷ đồng với trên 6.500 lượt hộ cựu chiến binh vay đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình; giải quyết việc làm cho hơn 20.200 lao động là vợ, con hội viên và hội viên cựu chiến binh.
Các cấp Hội cũng đã vận động các nguồn kinh phí xây dựng 554 căn nhà cho hộ hội viên khó khăn về nhà ở. Từ đó, mức sống hộ hội viên có thay đổi đáng kể, nếu như năm 2017, tỷ lệ hộ khá, giàu là 54,65%, hộ cận nghèo là 6,66% và hộ nghèo là 6,29%, đến nay có 57,92% hộ khá, giàu; 5,32% hộ cận nghèo và chỉ còn 1,22% hộ nghèo.
Theo Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Sóc Trăng Lê Trung Hậu, các cấp Hội tiếp tục khai thác tối đa mọi nguồn lực và chính sách ưu đãi của nhà nước đối với cựu chiến binh, gắn với chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đầu tư phát triển các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững, làm giàu hợp pháp. Mặt khác, các cấp Hội động viên cựu chiến binh phát huy mạnh mẽ ý chí tự lực, tự cường; vận động hội viên tích cực, chủ động huy động vốn từ nhiều nguồn, phát huy tốt và có hiệu quả hơn các Tổ tiết kiệm và vay vốn do cựu chiến binh quản lý, tăng thêm nguồn vốn vay từ ngân hàng chính sách xã hội, tăng vốn nội lực của Hội, phấn đấu kéo giảm nợ quá hạn dưới 0,4%, cựu chiến binh không có nợ quá hạn. Hội tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” gắn với phong trào “Người lính trên mặt trận sản xuất, kinh doanh” khuyến khích cựu chiến binh đầu tư phát triển đa dạng các loại hình kinh tế hộ, Tổ hợp tác, Hợp tác xã...để thu hút lao động mới, tạo việc làm cho cựu chiến binh, cựu quân nhân.
Các cấp Hội cũng tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành mở các lớp tập huấn bồi dưỡng chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật - công nghệ, các kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường; tổ chức tham quan các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả cao; tọa đàm, hội thảo để trao đổi, phổ biến kinh nghiệm; thực hiện tốt quy chế phối hợp với Hội Doanh nhân cựu chiến binh trong đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động tình nghĩa, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, xóa nhà tạm bợ cho hội viên.
Nhật Bình