Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê: Những lưu ý trong quản lý, điều trị F0 tại nhà an toàn, hiệu quả

Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê: Những lưu ý trong quản lý, điều trị F0 tại nhà an toàn, hiệu quả

Trong 7 ngày qua (từ ngày 27/2 đến ngày 6/3, trung bình mỗi ngày, Việt Nam ghi nhận 117.379 ca mắc COVID-19. Riêng trong ngày 6/3, số ca mắc của Việt Nam đã lên tới 142.136 ca. Trong số đó, có tới gần 99% số ca mắc được điều trị tại nhà.

Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê: Những lưu ý trong quản lý, điều trị F0 tại nhà an toàn, hiệu quả ảnh 1Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng thôn Mậu Lâm (trái) phường Khai Quang thành phố Vĩnh Yên hỏi thăm người từng mắc F0 điều trị tại nhà. Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN

Để đảm bảo việc điều trị F0 tại nhà an toàn, hiệu quả, giảm tải cho các cơ sở y tế, từ đầu năm 2022, Bộ Y tế, Cục quản lý Khám, chữa bệnh là đầu mối đã ban hành rất nhiều tài liệu, hướng dẫn quan trọng, trong đó có Hướng dẫn quản lý và điều trị F0 tại nhà, giảm tải cho các cơ sở y tế.

Trao đổi về vai trò, ý nghĩa của các văn bản hướng dẫn trên trong tình hình hiện nay, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, các hướng dẫn được áp dụng tại các cơ sở y tế và các gia đình và là những tài liệu quan trọng đối với các Sở Y tế, các cơ sở y tế trên cả nước trong quản lý, điều trị F0 tại nhà, giúp giảm tình trạng quá tải của các cơ sở y tế và việc nhập viện không cần thiết.

Đồng thời, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê khuyến cáo: Người mắc COVID-19 cũng như người chưa mắc cần bình tĩnh trước quá nhiều luồng thông tin nhận được và cần xem xét những hướng dẫn, khuyến cáo chính thống của các cơ quan y tế trong quản lý, chăm sóc F0 tại nhà để cùng nhau vượt qua những giai đoạn khó khăn do dịch bệnh gây ra.

* Xin ông cho biết, việc ban hành Hướng dẫn quản lý và điều trị F0 đối với người lớn và trẻ em có ý nghĩa như thế nào trong tình hình dịch hiện nay?

- Đến thời điểm này Quyết định số 261/QĐ-BYT ngày 31/01/2022 về việc ban hành Hướng dẫn quản lý người mắc COVID-19 tại nhà và Quyết định số 528/QĐ-BYT ngày 03/3/2022 Hướng dẫn chăm sóc tại nhà đối với trẻ em mắc COVID-19, được áp dụng tại các cơ sở y tế và các gia đình là 2 tài liệu quan trọng đối với các Sở Y tế, các cơ sở y tế trên cả nước trong quản lý, điều trị F0 tại nhà, giúp giảm tình trạng quá tải của các cơ sở y tế và việc nhập viện không cần thiết.

Trong đó Tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn quản lý người mắc COVID-19 tại nhà” được áp dụng tại tuyến y tế cơ sở theo sự chỉ đạo của Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của địa phương Hướng dẫn quản lý người mắc COVID-19 tại nhà nhất quán với hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 bản cập nhật của Bộ Y tế.

Trong bối cảnh số ca mắc tăng cao, số F0 điều trị tại nhà cũng tăng mạnh tại nhiều địa phương. Sự quá tải của hệ thống y tế địa phương dẫn đến việc các F0 khó hoặc chậm được tiếp cận y tế, phải tìm hiểu thông tin trên mạng hoặc gọi bạn bè, bác sĩ quen để xin đơn thuốc, tự điều trị thì việc ban hành “Hướng dẫn quản lý người mắc COVID-19 tại nhà” được áp dụng tại tuyến y tế cơ sở không chỉ giúp các nhân viên y tế tự tin, chủ động hơn trong tiếp cận, điều trị bệnh nhân mà còn giúp người bệnh có những căn cứ chuẩn xác để đối chiếu với tình trạng bệnh của mình, giảm bớt lo lắng không cần thiết cũng như việc nhập viện không cần thiết...

* Xin ông cho biết, F0 ở trong tình trạng như thế nào thì sẽ được điều trị tại nhà?

- Chúng tôi đã đưa ra 3 tiêu chí đối với F0 được điều trị tại nhà.

Thứ nhất, F0 đó phải được khẳng định nhiễm SARS-CoV-2 bằng xét nghiệm realtime RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên theo quy định hiện hành. F0 không có triệu chứng lâm sàng; hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ: như sốt; ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi; tiêu chảy, chảy mũi, mất mùi, mất vị.

Thứ hai, F0 không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu ô xy; nhịp thở < 20 lần/phút; SpO2 > 96% khi thở khí trời; không có thở bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở khò khè, thở rít ở thì hít vào.

Đặc biệt, F0 không mắc bệnh nền, hoặc có bệnh nền nhưng đang được điều trị ổn định.

Bên cạnh đó, chúng tôi đặt ra yêu cầu F0 phải tự chăm sóc được bản thân một cách cơ bản như tự ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh và có thể tự theo dõi tình trạng sức khỏe theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

F0 phải có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát và khi có tình trạng cấp cứu; Có khả năng giao tiếp và sẵn có phương tiện liên lạc như điện thoại, máy tính…

Với trường hợp F0 không có khả năng tự chăm sóc, gia đình phải có người chăm sóc đáp ứng các tiêu chí thứ nhất và thứ hai như trên.

* Vậy nếu F0 là trẻ em, việc được quản lý, điều trị tại nhà cần những yêu cầu gì, thưa ông?

- Trẻ em là đối tượng rất dễ mắc COVID-19 khi tiếp xúc với các ca nhiễm do hệ miễn dịch của con còn non yếu. Các trẻ em bé chưa nhận thức được rõ ràng sự nguy hiểm của dịch bệnh nên việc cách ly tại nhà rất cần sự quản lý chặt chẽ của cha mẹ và người lớn tuổi trong gia đình.

Do đó, khi gia đình có F0 là trẻ em cách ly tại nhà, cha mẹ cần quan sát kỹ lưỡng, nếu con có biểu hiện nặng, cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.

Để trẻ em mắc COVID được cách ly tại nhà cần các điều kiện sau: Trẻ em ≤ 16 tuổi mắc COVID được khẳng định nhiễm SARS-CoV-2 bằng xét nghiệm realtime RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên do người chăm sóc tự làm tại nhà hoặc do nhân viên y tế, cơ sở y tế thực hiện.

Trẻ không có triệu chứng hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ (không khó thở, không suy hô hấp, SpO2 ≥ 96% khi thở khí trời, nhịp thở bình thường theo tuổi).

Trẻ không có bệnh nền hoặc có bệnh nền nhưng đang được điều trị ổn định.

Bên cạnh đó, quản lý chăm sóc trẻ em phải có người chăm sóc như bố, mẹ, người thân… có khả năng chăm sóc, theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ, có khả năng liên lạc với nhân viên y tế qua các phương tiện như điện thoại, máy tính… để được nhân viên y tế theo dõi, giám sát và xử trí khi có tình trạng cấp cứu.

* Hiện nay khi tỷ lệ người mắc COVID-19 khá lớn, trong khi trên mạng có rất nhiều những lời khuyên, khuyến cáo, thậm chí có cả những hướng dẫn chưa có kiểm chứng, ông có lời khuyên như thế nào?

- Để xây dựng các Hướng dẫn chuyên môn, trong đó có 2 hướng dẫn quản lý, điều trị, chăm sóc F0 tại nhà, Cục quản lý Khám, chữa bệnh đã tập hợp đội ngũ chuyên gia lên đến hơn 100 chuyên gia với nhiều kinh nghiệm tại tất cả các chuyên khoa, chuyên ngành khác nhau. Do đó, người dân cần tham khảo những thông tin chính thống từ Bộ Y tế, không hoang mang và lo lắng.

Người mắc COVID-19 cũng như người chưa mắc cần bình tĩnh trước quá nhiều luồng thông tin nhận được và cần xem xét những hướng dẫn, khuyến cáo chính thống của các cơ quan y tế trong quản lý, chăm sóc F0 tại nhà để cùng nhau vượt qua những giai đoạn khó khăn do dịch bệnh gây ra.

Trong hướng dẫn, chúng tôi cũng khuyến cáo người mắc COVID-19 nên nghỉ ngơi, vận động thể lực nhẹ (phù hợp với tình trạng sức khỏe); tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày; uống nước thường xuyên, không đợi đến khi khát mới uống nước; không bỏ bữa; tăng cường dinh dưỡng: ăn đầy đủ chất, ăn trái cây, uống nước hoa quả… và suy nghĩ tích cực, duy trì tâm lý thoải mái.

Hướng dẫn cũng nêu chi tiết những dấu bất thường ở người lớn và trẻ em để được xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời.

* Vậy để có thể chủ động trong quản lý chăm sóc F0 tại nhà thì các gia đình cần chuẩn bị những gì thưa ông?

- Mỗi gia đình nên chuẩn bị sẵn trong nhà các vật dụng, thuốc cơ bản và cần thiết để chăm sóc, điều trị F0 tại nhà bao gồm: Nhiệt kế; Máy đo SpO2 cá nhân (nếu có); Khẩu trang y tế; Phương tiện vệ sinh tay; Vật dụng cá nhân cần thiết; Thùng chứa chất thải lây nhiễm có nắp đậy.

Thuốc điều trị tại nhà gồm: Thuốc hạ sốt: paracetamol (gói bột hoặc cốm pha hỗn dịch uống hoặc viên hàm lượng 80mg, 100mg, 150mg hoặc 250mg; Thuốc cân bằng điện giải: Oresol, gói bù nước, chất điện giải khác; Thuốc giảm ho (ưu tiên các thuốc từ thảo mộc); Dung dịch nhỏ mũi: natriclorua 0,9%. Các thuốc này nên chuẩn bị đủ dùng từ 5-7 ngày.

Bên cạnh đó, cần chuẩn bị thuốc điều trị bệnh nền nếu trong nhà có người mắc bệnh nền, đủ để sử dụng trong 1-2 tuần.

Tại hướng dẫn, chúng tôi đã lưu ý rất rõ về thuốc kháng virus, thuốc chống viêm corticosteroid và thuốc chống đông máu… Theo đó, các loại thuốc này chỉ được sử dụng khi bác sỹ kê đơn. Vì vậy, người dân không tự ý mua và sử dụng.

Đối với nhân viên y tế, khi kê đơn, cần lưu ý kiểm tra kỹ các chống chỉ định, khai thác thông tin về các thuốc người bệnh đang sử dụng để tránh các tương tác thuốc nghiêm trọng khi kê đơn. Bên cạnh đó,cần tư vấn cho người bệnh hoặc người chăm sóc nhận biết một số tác dụng không mong muốn quan trọng của thuốc để kịp thời phát hiện và xử trí phù hợp trong quá trình sử dụng.

* Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hảo Thủy (thực hiện)

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm