Thông tin từ Bộ Y tế cho biết: Tính từ 16 giờ ngày 27/2 đến 16 giờ ngày 28/2, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 94.385 ca mắc mới, trong đó 9 ca nhập cảnh; 94.376 ca ghi nhận trong nước (tăng 7.410 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 66.227 ca trong cộng đồng). Trung bình số ca mắc mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 74.773 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 3.443.485 ca mắc, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 142/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 34.859 ca mắc).
Trong ngày 28/2, cả nước có 27.039 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 2.438.951 trường hợp. Hiện có 3.473 bệnh nhân nặng đang điều trị. Từ 17 giờ 30 phút ngày 27/2 đến 17 giờ 30 phút ngày 28/2, nước ta ghi nhận 108 ca tử vong. Tính đến nay, Việt Nam có tổng số 40.252 ca tử vong do COVID-19, chiếm 1,2% so với tổng số ca mắc.
Theo nhận định của Bộ Y tế, tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại các địa phương trên toàn quốc. Số trường hợp mắc COVID-19 tăng cao đặc biệt trong thời gian từ sau Tết Nguyên đán, phần lớn số ca mắc thường không có triệu chứng lâm sàng hoặc có triệu chứng nhẹ nên được thực hiện việc quản lý, cách ly, theo dõi tại nhà, nơi lưu trú.
Để tăng cường quản lý chất thải phát sinh từ các trường hợp F0 đang quản lý tại nhà, Bộ Y tế đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai các giải pháp tăng cường vận chuyển, xử lý chất thải trong phòng, chống dịch COVID-19 đảm bảo kịp thời và an toàn phòng, chống dịch.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp UBND cấp tỉnh kiểm tra việc vận chuyển, xử lý chất thải trong phòng, chống dịch COVID-19 theo thẩm quyền, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Bộ Y tế cũng đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành và đơn vị liên quan tại địa phương thực hiện quản lý chất thải phát sinh đối với các trường hợp F0 đang quản lý tại nhà.
Hà Nội ngày 28/2 ghi nhận thêm 12.850 ca F0, trong đó có 4.265 ca tại cộng đồng; 8.585 ca đã cách ly. Trước tình trạng số F0 tăng nhanh, Sở Y tế Hà Nội vừa có công văn khẩn gửi 22 trung tâm y tế quận/huyện và 5 bệnh viện (Tâm thần, Thanh Nhàn, Phổi, Đống Đa, Hà Đông) phân bổ 401.000 viên Molnupiravir 200mg điều trị COVID-19. Sở Y tế đề nghị Bệnh viện đa khoa Đống Đa liên hệ với nhà cung ứng, làm thủ tục nhận thuốc Molnupiravir 200mg và có trách nhiệm bảo quản; cấp, phát cho các đơn vị tham gia Chương trình thử nghiệm theo phân bổ của Sở Y tế.
Trước đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội có Công điện chỉ đạo tăng cường việc cung cấp đảm bảo túi thuốc, gói thuốc C (có thuốc kháng virus) cho các bệnh nhân tại các tầng điều trị, đặc biệt là những người ở nhà để hạn chế người bệnh chuyển tầng điều trị.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn 36.000 liều Molnupiravir miễn phí. Ngày 28/2, Sở Y tế đã yêu cầu y tế địa phương cấp phát thuốc này cho những người đủ điều kiện sử dụng, không chỉ ưu tiên cho nhóm đối tượng nguy cơ.
Trước phản ánh nhiều người dân cho rằng khó mua thuốc Molnupiravir, theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Sở đã có văn bản đề xuất với Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng và kinh doanh thuốc Molnupiravir.
Thông tin về tình hình bán thuốc Molnupiravir tại các nhà thuốc, theo ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay, thuốc đã có tại các nhà thuốc nhưng việc bán chưa phù hợp với Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Theo Điều 3 của Luật này, bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus và các bệnh truyền nhiễm có khả năng lan truyền nhanh nhưng chưa rõ tác nhân gây bệnh thì thuộc nhóm A. Theo đó, người mắc bệnh dịch thuộc nhóm này được khám và điều trị miễn phí.
Vì vậy, trong tình trạng hiện nay, ông Phạm Đức Hải đề nghị, các bệnh nhân mắc COVID-19 nên đến trạm y tế để khai báo, bởi có nhiều lợi ích như được quản lý, chăm sóc, theo dõi đúng theo quy định và không phải ai là F0 cũng cần sử dụng gói thuốc B hay thuốc C (thuốc kháng virus Molnupiravir). Trong thực tiễn, sau khi bác sỹ thăm khám có rất nhiều bệnh nhân không nhất thiết phải kê và sử dụng gói C. Ông Phạm Đức Hải cũng kiến nghị các nhà thuốc hãy chờ hướng dẫn đầy đủ của Bộ Y tế.
Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định số 437/QĐ-BYT sửa đổi, bổ sung một số điểm của “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19” ban hành kèm theo Quyết định 250/QĐ-BYT ngày 28/1/2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Bộ Y tế sửa đổi một số nội dung cụ thể như: Nguyên tắc điều trị người bệnh COVID-19 và các thuốc kháng virus trong điều trị COVID-19.
Theo đó, bảng tổng hợp nguyên tắc điều trị người bệnh COVID-19 được bổ sung thêm nội dung về thuốc Molnupiravir. Cụ thể, người bệnh ở mức độ nhẹ, trung bình được bổ sung thêm thuốc kháng virus Molnupiravir. Các bệnh nhân không triệu chứng, nặng, nguy kịch vẫn giữ nguyên theo Quyết định 250/QĐ-BYT.
Bộ Y tế cũng bổ sung hướng dẫn sử dụng của 2 loại thuốc kháng virus trong điều trị COVID-19 là Remdesivir và Molnupiravir.
Đối với Remdesivir, chỉ định cho người bệnh nội trú, mức độ nhẹ và có ít nhất một yếu tố nguy cơ tiến triển nặng; mức độ trung bình và nặng, khởi phát bệnh chưa quá 10 ngày có suy hô hấp phải thở oxy, thở HFNC, thở máy không xâm nhập.
Đối với Molnupiravir, được chỉ định cho bệnh nhân COVID -19 người lớn từ 18 tuổi trở lên mức độ nhẹ đến trung bình và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng.
PV