Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại buôn Trưng, xã Cư Bông, huyện Ea Kar bị đóng cửa từ năm 2015 đến nay. Ảnh: internet |
Công trình được khởi công tháng 8/2013, đến đầu năm 2015 hoàn thành và được giao cho Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Toàn Thắng đưa vào khai thác. Công trình cung cấp nước sạch cho 275 hộ dân thuộc buôn Trưng, thôn 20 và thôn 21. Niềm vui được dùng nước sạch của người dân vùng sâu chỉ tồn tại thời gian ngắn. Ông Nguyễn Đình Hải - Giám đốc Hợp tác xã Toàn Thắng cho biết: Sau hai tháng vận hành chạy thử, công trình bị lỗ 13 triệu đồng. Hơn nữa, đến mùa khô năm 2015 đập Buôn Trưng (nguồn cung cấp nước cho công trình) bị cạn nước nên công trình phải ngừng hoạt động và bỏ hoang.
Tuy nhiên, theo phản ánh của các hộ dân thuộc buôn Trưng, sau khi công trình nước sạch đi vào hoạt động, người dân chỉ được sử dụng nguồn nước sạch trong một tuần và ngừng sử dụng cho đến nay. Từ đó, nhiều hạng mục của công trình bị xuống cấp, máy móc, hệ thống lọc nước không thể vận hành, đường ống dẫn nước sạch đến nhà dân bị hư hỏng nặng, nhiều máy bơm nước bị mất trộm… Hơn nữa, khi công trình hoạt động không hiệu quả, bị thua lỗ và phải ngừng hoạt động, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Toàn Thắng – đơn vị được giao quản lý, không báo cáo lên cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời mà bỏ hoang công trình từ đầu năm 2015 đến nay.
Theo lý giải của ông Phạm Tấn Lực - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án huyện Ea Kar, trước đây nguồn nước tại đập Buôn Trưng rất dồi dào, nhưng gần đây do diện tích rừng xung quanh đập bị tàn phá, nguồn sinh thủy bị cạn kiệt, dẫn đến đập Buôn Trưng bị cạn nước và công trình phải ngừng hoạt động. Hiện UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao cho các đơn vị chức năng có liên quan tiến hành khảo sát, tìm hướng giải quyết những khó khăn, khắc phục các nguyên nhân để đưa công trình vào hoạt động.
Trong khi hàng trăm hộ dân phải sử dụng nước giếng khoan, nước mưa, hồ tự nhiên thì công trình cấp nước sạch hàng tỷ đồng được dựng lên rồi “đắp chiếu”. Điều này không chỉ gây lãng phí ngân sách nhà nước, mà còn mất đi mục đích và ý nghĩa của Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Chính quyền địa phương và các ngành chức năng của tỉnh Đắk Lắk cần nhanh chóng vào cuộc, tìm phương án khắc phục các nguyên nhân, tu sửa các hạng mục để đưa công trình vào hoạt động. Cùng với đó, cần làm rõ tránh nhiệm của các cá nhân, tập thể có liên quan trong việc để công trình cấp bị bỏ hoang, xuống cấp.