Cô Tô (Quảng Ninh) hướng tới khu du lịch xanh, sạch, đẹp

Thời gian qua, huyện Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa, cải thiện môi trường du lịch, nâng cao chất lượng, dịch vụ hướng tới phát triển sản phẩm du lịch theo định hướng bền vững, xanh, sạch, đẹp.

Ngay khi vào cảng tàu quốc tế Ao Tiên, huyện Vân Đồn để mua vé, làm thủ tục lên tàu đi Cô Tô, du khách đã được loa phát thanh tại cảng tàu thông báo không được mang túi nylon, chai nhựa lên tàu ra đảo. Đồng thời, tại khu vực chờ có các thùng rác để du khách có thể để lại rác thải nhựa. Khi lên tàu, du khách tiếp tục được nhân viên tuyên truyền về việc không được mang rác thải nhựa ra đảo Cô Tô.

Từ tháng 8/2022, huyện đảo Cô Tô đã tuyên truyền, khuyến khích du khách và người dân không sử dụng túi nylon và đồ nhựa một lần. Sau một năm thử nghiệm, hoạt động này đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Từ ngày 15/9/2023, huyện Cô Tô cấm du khách mang đồ nhựa dùng 1 lần lên các đảo. Đồng thời, mỗi thứ 5 hàng tuần, Hiệp hội du lịch Cô Tô phối hợp với Đoàn Thanh niên, học sinh, chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, du khách tiến hành dọn rác tại các bãi tắm, khu dân cư. Qua đó, giúp môi trường xanh, sạch, đẹp và nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường.

vna_potal_chung_tay_lam_sach_bai_bien_tren_dao_co_to_7462421.jpg
Người dân và du khách cùng nhau dọn rác ở bãi biển trên đảo Cô Tô. Ảnh: Hoàng Linh - TTXVN

Anh Nguyễn Trọng Tiến (du khách đến từ Thái Nguyên) chia sẻ, lần thứ 2 đến với Cô Tô, anh thấy môi trường du lịch ở đây đã được cải thiện rất nhiều. Các bãi tắm sạch đẹp hơn, môi trường và không khí trong lành. Tại khách sạn cũng thấy dùng chai thủy tinh thay cho chai nhựa. Việc phân loại rác, không mang rác thải ra đảo là hoạt động thiết thực nhằm bảo vệ môi trường. Do đó, du khách đều vui vẻ, đồng thuận thực hiện.

Hưởng ứng phong trào nói không với rác thải nhựa, nhiều khách sạn trên địa bàn huyện Cô Tô cũng dùng chai thủy tinh thay cho chai nhựa, tham gia dọn rác trên bãi biển, làm sạch cảnh quan môi trường xung quanh; đồng thời, tư vấn cho du khách dùng các vật dụng thân thiện với môi trường, dễ phân hủy, phân loại rác tại phòng.

Tại nhiều tuyến đường trung tâm treo các khẩu hiệu tuyên truyền, nhắc nhở người dân, du khách để rác đúng nơi quy định, phân loại rác thải, giữ vệ sinh môi trường; đồng thời, để các thùng rác tái chế, rác không tái chế riêng biệt có nắp đậy để người dân dễ phân biệt. Chị Bùi Thị Hảo (khu 1, thị trấn Cô Tô, huyện Cô Tô) cho biết, vào mùa du lịch, du khách đến Cô Tô đông. Do đó, lượng rác thải khá lớn. Tuy nhiên do được tuyên truyền nên du khách đã có ý thức hơn trong việc phân loại rác thải, không vứt rác bừa bãi. Người dân cũng hưởng ứng việc vệ sinh môi trường xung quanh chỗ ở, dọn rác ở bãi biển, tham gia ngày Chủ nhật xanh.

Vào mùa cao điểm du lịch khoảng tháng 5 đến tháng 9, lượng khách đến Cô Tô khá đông nên lượng rác thải cũng tăng đột biến, mỗi ngày khoảng 20 - 25 tấn. Do đó, huyện Cô Tô đã tăng cường thu gom, phân loại, xử lý rác thải. Rác sau khi thu gom về nhà máy được phân loại, tiến hành xử lý bằng phương pháp đốt và chôn lấp. Ông Bùi Thế Tuân, Phó Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường và Nông nghiệp huyện Cô Tô cho biết, hưởng ứng phong trào Cô Tô không rác thải nhựa, đơn vị đã vận động, tuyên truyền đến tận người dân, du khách nhằm giảm lượng rác thải tại nguồn, phân loại và thu gom tối đa rác thải.

Theo ông Đỗ Huy Thông, Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, trong chiến lược phát triển bền vững, huyện đã xây dựng quy hoạch đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 phát triển trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, đặc sắc về văn hóa, sinh thái biển, đảo của Quảng Ninh và vùng ven biển vịnh Bắc Bộ. Địa phương liên kết với Cẩm Phả, Vân Đồn trở thành vùng du lịch Bái Tử Long - Vân Đồn Cô Tô - một trong hai điểm đột phá về du lịch của Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2030; kết nối chặt chẽ với Vân Đồn, Hạ Long, Móng Cái để tạo ra một chuỗi sản phẩm du lịch biển, đảo cao cấp, độc đáo, khác biệt. Huyện Cô Tô quan tâm đầu tư nhà máy xử lý rác thải, hệ thống xử lý nước thải và các hoạt động bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh nguồn nước, hạ tầng giao thông; đầu tư các bãi đỗ xe, nhà chờ cho hành khách, hệ thống nhà vệ sinh công cộng; đầu tư cải thiện, trùng tu di tích, dịch vụ ẩm thực và lưu trú nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách du lịch.

Nhờ nhiều biện pháp tăng cường xử lý rác thải, bảo vệ môi trường, môi trường biển ở Cô Tô được cải thiện, một số loài động vật quý, hiếm như rùa biển, cá heo đã xuất hiện gần bờ sau nhiều năm vắng bóng. Môi trường biển được tái sinh, nhiều rạn san hô bắt đầu sinh trưởng tốt. Cô Tô đã xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh, gia tăng sự trải nghiệm của du khách, hướng tới môi trường du lịch chuyên nghiệp, đồng bộ, nâng cao đời sống người dân nơi hòn đảo tiền tiêu của vùng Đông Bắc.

Đức Hiếu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm