Huyện đảo Cô Tô kêu gọi công ty lữ hành và du khách nói không với rác thải nhựa

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin và Du lịch huyện Cô Tô (Quảng Ninh) Nguyễn Hải Linh cho biết, dự báo lượng khách du lịch đến Cô Tô trong tháng 4 và dịp Hè năm 2024 rất đông. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án 175 huyện Cô Tô không rác thải nhựa trong hoạt động du lịch, Phòng Văn hóa - Thông tin và Du lịch huyện yêu cầu các cơ sở lưu trú, công ty du lịch trên địa bàn triển khai biện pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, không sử dụng túi nylon và đồ nhựa dùng một lần, thay thế chai nước dùng nhiều lần tại cơ sở. Đồng thời tăng cường sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường như túi giấy, túi vải sử dụng nhiều lần, sản phẩm tái chế.

vna_potal_du_lich_viet_nam_co_to_huong_toi_khu_du_lich_khong_rac_thai_nhua_7171679.jpg
Học sinh trên đảo Cô Tô thu gom rác thải, dọn sạch bãi biển. Ảnh: TTXVN phát

Mùa du lịch Hè 2024, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin tới 100% hành khách không mang túi nylon và đồ nhựa dùng một lần trước khi lên tàu ra đảo; thực hiện tốt Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch Cô Tô, ứng xử với môi trường Cô Tô. Riêng thị trấn Cô Tô vẫn duy trì các tổ tự quản vệ sinh môi trường tại khu dân cư, đồng thời ra quân dọn vệ sinh môi trường hằng tuần trên địa bàn. Các cơ sở lưu trú, công ty lữ hành không thông tin tới du khách về việc thực hiện giảm thiểu nhựa phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước mọi vấn đề phát sinh.

Trước đó, từ tháng 8/2022, huyện đảo Cô Tô tuyên truyền, khuyến khích du khách và người dân không sử dụng túi nylon, đồ nhựa một lần trên đảo. Đến 15/9/2023, huyện Cô Tô cấm du khách mang đồ nhựa dùng một lần lên các đảo.

Huyện Cô Tô có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong quần thể du lịch trọng điểm vịnh Hạ Long - vịnh Bái Tử Long - Vân Đồn - Cô Tô - Móng Cái. Tuy nhiên, điều kiện thời tiết phân thành 2 mùa rõ rệt, do vậy du lịch Cô Tô vẫn mang dáng dấp “du lịch một mùa”, thường chỉ kéo dài 4 - 5 tháng, gây nhiều khó khăn, thách thức cũng như hiệu quả trong thu hút đầu tư và phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng.

Huyện đảo Cô Tô thực hiện nhiều đề án về phân loại, xử lí rác thải, nhất là rác thải nhựa và rác thải sinh hoạt đảm bảo môi trường trong sạch, phù hợp định hướng phát triển du lịch bền vững.

Từ tháng 7/2020, huyện đầu tư hệ thống lò đốt rác mới với công suất thiết kế 750 kg/giờ, xử lý được khoảng 70% lượng rác thải phát sinh trong ngày tại đảo Cô Tô lớn. Tuy nhiên, vì nằm gần điểm giao nhau của các dòng hải lưu, Cô Tô luôn chịu những cuộc “đổ bộ theo mùa” của rác thải từ đại dương; trong đó, các bãi biển như Tình Yêu, Hồng Vàn... bị rác "tấn công" nhiều nhất do nằm ở hướng Tây Nam và Đông Bắc của đảo, nơi hứng gió, thủy triều lên. Do vậy, vấn đề môi trường và rác thải vẫn là điểm nóng chính quyền địa phương quan tâm giải quyết, nhất là vào mùa cao điểm đón khách du lịch.

Văn Đức

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm