Cô giáo Trương Thị Lan “mang thế giới” đến với học trò vùng cao

Dưới sự dìu dắt của cô Lan, nhiều học sinh của trường đoạt danh hiệu học sinh giỏi. Ảnh: TTXVN phát
Dưới sự dìu dắt của cô Lan, nhiều học sinh của trường đoạt danh hiệu học sinh giỏi. Ảnh: TTXVN phát

Bằng sự tận tâm với học trò và sự sáng tạo trong mỗi bài giảng, cô giáo Trương Thị Lan, giáo viên môn Tiếng Anh. Trường trung học phổ thông Kỳ Sơn (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) đã truyền cảm hứng học tiếng Anh cho các em học sinh huyện miền núi và chắp cánh cho các em đến gần hơn ngưỡng cửa thế giới.

Cô giáo Trương Thị Lan “mang thế giới” đến với học trò vùng cao ảnh 1Dưới sự dìu dắt của cô Lan, nhiều học sinh của trường đoạt danh hiệu học sinh giỏi. Ảnh: TTXVN phát

Lấy học sinh làm trung tâm

Với suy nghĩ không thay đổi được cả gia đình thì cũng thay đổi được bản thân mình, từ mảnh đất Châu Lộc xa xôi của huyện Quỳ Hợp, hoàn cảnh gia đình khó khăn lại đông con nên chị Trương Thị Lan luôn ý thức học tập tốt để thoát ly, quyết tâm tìm một nghề nghiệp ổn định.

Yêu thích môn ngoại ngữ và bén duyên với nghề giáo của cô gái dân tộc Thái Trương Thị Lan được nhen nhóm, truyền lửa từ cô giáo Đặng Bích Ngọc – giáo viên dạy tiếng Nga suốt ba năm học trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Nghệ An. Chị Lan đã quyết tâm thi đỗ và theo học Sư phạm Tiếng Anh, trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Tốt nghiệp ra trường, cô giáo Trương Thị Lan hoàn toàn có đủ khả năng để làm việc trong hoàn cảnh thuận lợi. Thế nhưng nghe theo lời "rủ rê" của bạn, đi để khám phá vùng đất mới, cô giáo trẻ đã không ngần ngại xông pha, lựa chọn con đường khó để gieo chữ cho các em học sinh vùng cao mà chưa lường trước được những khó khăn hiện hữu ở phía trước.

Trường Phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở và trung học phổ thông Kỳ Sơn - nơi cô Lan đang công tác là một ngôi trường miền núi với đa số học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số như Mông, Khơ Mú, Thái.

Nhớ lại những ngày đầu tiên đặt chân tới mảnh đất này, khó khăn chồng chất khó khăn. Đường đi lầy lội, trơn trượt. Chỗ ngủ không có giường, cô Lan cùng đồng nghiệp khác phải kê vài băng ghế dài làm chỗ để nghỉ ngơi. Những khó khăn ấy không làm cô nản chí. Càng thấu hiểu nỗi khổ của đồng bào nơi đây, cô lại càng quyết tâm nung nấu ý chí gieo chữ cho các em.

Với học sinh ở vùng miền núi, con em dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú tiếng Việt nói chưa tròn vành, rõ chữ thì tiếng Anh trở nên là môn học xa lạ. Ban đầu cô Lan phải sử dụng phương pháp truyền tải bằng tiếng phổ thông để các em dần dần làm quen.

"Tiết học đầu tiên mỗi khi mình nói tiếng Anh các em đều cười ngặt ngoẽo, các em cảm thấy thật xa lạ với ngôn ngữ này. Mình đã từng trải qua cảm xúc ấy nên mình cảm thấy thương và đồng cảm với các em, từ đó mình càng quyết tâm hơn để các em học được tiếng Anh", cô Lan tâm sự.

Kể về chặng đường mang ngoại ngữ lên vùng cao, cô Lan cho rằng dạy ngoại ngữ cho học sinh đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Ngoài năng lực giáo viên, trình độ hiểu biết của học sinh thì những trang thiết bị dạy học cần đảm bảo đầy đủ. Thế nhưng, điều kiện ở vùng cao chưa phát triển nên các giáo viên phải dành nhiều thời gian và công sức hơn cho học sinh trong mỗi buổi lên lớp. Với phương pháp lấy học sinh làm trung tâm, dần dần truyền đạt kiến thức, mưa dầm thấm lâu, giáo viên không thể áp đặt, tạo áp lực cho học sinh mà phải gần gũi, động viên các em, có phương pháp dạy từng đối tượng cho phù hợp.

"Học sinh vùng cao cảm nhận môn học bằng tiếng phổ thông đã khó, vì vậy các em cần có cơ hội, thời gian mà cách thức truyền đạt dễ hiểu, gần gũi tạo nên hứng thú trong học tập thì mới học được. Không dừng lại ở việc dạy học truyền thống, tôi còn định hướng các em học sinh theo hướng học mở. Điều quan trọng là làm thế nào để các em nắm được nội dung cốt lõi từng bài", cô Lan chia sẻ.

Nhận thức được khi xã hội phát triển, có ngoại ngữ là bước đệm thuận lợi trong tìm kiếm việc làm, cộng với Tiếng Anh là một trong ba môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nên các em và phụ huynh cũng quan tâm hơn, phong trào học tập tiếng Anh trở nên sôi nổi hơn.

Ngoài việc soạn giáo án mỗi ngày, cô Lan không ngừng tìm tòi, học hỏi, áp dụng ứng dụng công nghệ trong dạy học tiếng Anh như: powerpoint, canva, cô cũng chủ động lên Youtube tìm bài học có nội dung giống chủ đề trong sách giáo khoa để dạy các em. Như vậy, các em sẽ thấy có hứng thú và tiếp thu hiệu quả hơn khi học.

Học sinh sau mỗi buổi học đều rất hào hứng, khả năng tiếp thu bài học tăng lên, phần củng cố bài học và kiểm tra bài cũ không còn mang tính chất căng thẳng như cách kiểm tra trước đây.

"Bằng sự tận tâm với nghề, luôn đổi mới phương pháp dạy học, cô Trương Thị Lan cùng các giáo viên dạy ngoại ngữ đang từng bước nâng dần khả năng nói tiếng Anh của học sinh, không những thế các em trông mạnh dạn, tự tin hơn khi giao tiếp tiếng Anh. Dưới sự dìu dắt của cô Lan, đã có nhiều học sinh của trường đoạt danh hiệu học sinh giỏi tỉnh, chất lượng học tập bộ môn tiếng Anh đã có nhiều biến chuyển, từng bước được nâng cao", thầy Lê Văn Tảo - Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Kỳ Sơn cho biết.

Cô giáo Trương Thị Lan “mang thế giới” đến với học trò vùng cao ảnh 2Cô giáo Trương Thị Lan - một trong 200 gương mặt giáo viên tiêu biểu của cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo biểu dương năm 2023. Ảnh: Bích Huệ - TTXVN

Sẻ chia, đồng cảm với học trò

Ngoài đảm nhiệm giảng dạy bộ môn Tiếng Anh, cô giáo Trương Thị Lan còn làm Chủ tịch công đoàn nhà trường. Là một trường trung học phổ thông có hơn 90% là học sinh dân tộc thiểu số, chất lượng đầu vào rất thấp, do vậy để đảm bảo kiến thức cho các em vững vàng tham gia kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, hàng năm nhà trường luôn xây dựng các biện pháp phù hợp nhằm bổ trợ kiến thức cho các em thông qua các buổi phụ đạo miễn phí.

Chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, bắt đầu từ tháng 3, cô Lan cùng đồng nghiệp đã phối hợp với các tổ chuyên môn tổ chức các buổi học đêm miễn phí cho học sinh khối 12. Công đoàn nhà trường cũng đã phối hợp với các đơn vị trên địa bàn tổ chức liên tục 7 năm chương trình "Đồng hành cùng các sỹ tử" tổ chức các bữa cơm miễn phí cho thí sinh và người nhà dự thi. Ngoài ra, công đoàn trường còn tổ chức nhiều hoạt động khác như đền ơn, đáp nghĩa; các hoạt động xã hội, tương thân, tương ái trong cán bộ, nhà giáo, lao động thông qua các chương trình "Mái ấm công đoàn", "Hỗ trợ đoàn viên công đoàn và và học sinh khó khăn"...

Kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, cô giáo Trương Thị Lan là một trong 200 gương mặt giáo viên tiêu biểu của cả nước được Bộ Giáo dục và Đào tạo biểu dương. Đây là quả ngọt cho hành trình gần 30 năm chị gắn bó với giáo dục, với học sinh vùng cao.

"Giải thưởng đối với tôi là động lực cho tôi trong chặng đường sắp tới và là món quà rất lớn không chỉ cho cá nhân tôi, cho gia đình và cho cả nhà trường. Giải thưởng cũng là sự ghi nhận cho tôi sau gần 30 năm gắn bó với nghề. Người giáo viên là người truyền đạt tri thức cho học sinh và đến nay bằng suy nghĩ, bằng tâm huyết của mình, tôi đã góp được một phần nhỏ cho các học trò", cô Lan tâm sự.

Trong nhiều năm gắn bó với nghề dạy học, cô giáo Lan không đặt mục tiêu cho mình đạt giải thưởng này hay giải thưởng kia. Với chị, đã làm nghề thì phải chăm lấy nghề, phải tâm huyết với nghề. Người giáo viên đối với học trò phải vừa là cô giáo, vừa là mẹ, là người chị, người thân trong gia đình. Ngoài dạy kiến thức, người giáo viên còn phải dạy cho các em kỹ năng trong cuộc sống, phải biết chia sẻ, đồng cảm với học trò, nhất là với học sinh vùng cao, khi các em gần với giáo viên, các em sẽ thấy như ở nhà và khi đó các em sẽ thực sự xem trường học là ngôi nhà thứ hai của mình.

Hiểu rõ tiếng Anh là bộ môn đặc thù nên cô Trương Thị Lan luôn đầu tư, bồi đắp cho vốn kiến thức của mình ngày một dày hơn. Bởi lẽ, tiếng Anh rất dễ mai một và tụt hậu lại phía sau nếu không có sự trau dồi thường xuyên.

"Cô Trương Thị Lan luôn lan tỏa tinh thần không ngừng học tập, không ngừng tiến về phía trước, không chỉ là tấm gương tốt cho học sinh mà các các đồng nghiệp khác noi theo. Mong rằng tất cả giáo viên của trường sẽ tiếp tục chung tay nâng tầm chất lượng giáo dục của trường ngày một đi lên để ngang bằng với các trường trong tỉnh và được nhiều nơi biết đến nhà trường với một mô hình dạy và học ngoại ngữ tiên tiến chất lượng", ông Đặng Văn Hải, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An cho biết.

Bích Huệ

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm