Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng xem “biên giới là quê hương, đồng bào dân tộc là anh em ruột thịt” không quản khó khăn, gian khổ, tăng cường tham gia cấp ủy để củng cố hệ thống chính trị cơ sở, làm nhà Đại đoàn kết giúp bà con vùng biên ổn cư, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Quân với dân trở thành “cột mốc sống tiền tiêu” bảo vệ chủ quyền biên giới vững chắc. Để ghi nhận những đóng góp của các cán bộ, chiến sĩ ấy, phóng viên TTXVN thực hiện loạt 5 bài viết với chủ đề: Chuyện người mang “quân hàm xanh” đi cắm bản.
Bài 2: Dựng nhà đưa tộc “lá vàng” về ổn cư
Dân tộc La Hủ được gọi tộc “lá vàng” vì trước kia họ sống du canh, du cư trong rừng, khi lá lợp lán ngả màu vàng thì chuyển nơi khác kiếm nguồn thức ăn mới... Năm 2009, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu đã làm 130 căn nhà Đại đoàn kết ở 5 bản của huyện biên giới Mường Tè (Lai Châu), đưa người dân La Hủ về sinh sống tập trung, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, phát triển kinh tế - xã hội và dần vươn lên thoát nghèo.
Tìm dân trên đỉnh núi
Thực hiện Đề án “Bộ đội Biên phòng Lai Châu tham gia giúp đồng bào La Hủ định canh, định cư, xóa đói, giảm nghèo gắn với bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới”, Bộ đội Biên phòng đã vận động đồng bào về sinh sống tập trung, thành lập mới 3 bản: Hà Xi (xã Pa Ủ), Là Si (xã Ka Lăng); Là Si (xã Thu Lũm); quy hoạch sắp xếp lại 2 bản: Tân Biên, Mu Chi (xã Pa Ủ). Bộ đội Biên phòng làm nhà và nhiều công trình dân sinh như nhà văn hóa bản, cầu, đường... giúp bà con về ở tập trung, thêm điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ đội Biên phòng làm nhà đưa người dân La Hủ về lập bản Hà Si, ổn canh ổn cư. Ảnh: Việt Hoàng |
Bữa sáng tại Đồn Biên phòng Pa Ủ vội vàng, chúng tôi xuất phát bằng xe máy vào bản Hà Si, phải mất hơn một giờ đồng hồ mới đến nơi. Nhiều đoạn đường, người ngồi sau phải xuống đi bộ, lá cây gai bên đường quất vào mặt bỏng rát. Thiếu tá Trần Hà Nam, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Pa Ủ chia sẻ, những năm qua, cán bộ và chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Ủ đã làm 100 căn nhà kiên cố tại bản Hà Si, Mu Chi, Tân Biên, đưa các nhóm người La Hủ về ổn định đời sống lâu dài. Bộ đội Biên phòng giúp dân xây dựng các mô hình nuôi bò tập trung, mô hình trồng lúa nước hai vụ, trồng cây sa nhân, thảo quả... Nhờ vậy, bà con La Hủ đã không còn du canh, du cư, ổn định đời sống, tập trung lao động sản xuất, phát triển kinh tế.
Sau 10 năm về ở tập trung, người La Hủ ở bản Hà Si, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè (Lai Châu) đã ổn canh ổn cư. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN |
Vào tới đầu bản Hà Si, chúng tôi đã nghe tiếng thầy cô dạy chữ, học trò đọc theo rộn ràng. Trong bản có từng dãy nhà kiên cố san sát, đường sá sạch sẽ. Bí thư Chi bộ bản Hà Si Hoàng Hừ Xa cho biết, cả bản có 59 hộ, 251 khẩu, đời sống của người dân đã dần ổn định, có điện lưới thắp sáng và sóng điện thoại để trao đổi thông tin. Nhờ bảo vệ rừng tốt, trung bình mỗi hộ gia đình được nhận 23 triệu đồng/năm, bà con được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ về cây, con giống…
Bà Vàng Ha So, 78 tuổi ở bản Hà Si, xã Pa Ủ, chia sẻ: Trước kia, người dân tộc La Hủ sống rải rác trong rừng sâu, cách biệt với bên ngoài. Được Nhà nước quan tâm, Bộ đội Biên phòng giúp đỡ làm nhà để bà con về ở tập trung, mưa to gió lớn không còn sợ nữa. Người dân đã biết chăn nuôi, trồng trọt nên có lương thực đủ ăn. Con cháu được đi học, không phải chịu cảnh mù chữ.
Giúp dân ổn định đời sống
Tại tổ công tác Biên phòng Hà Si, Trung úy Giàng A Tráng chỉ tay ra phía trước mặt nói, Bộ đội Biên phòng đang làm chuồng để sắp tới nhận 57 con bò giống thuộc dự án của huyện Mường Tè cấp cho bà con. Bộ đội Biên phòng đã hướng dẫn người dân trồng cỏ, chăn nuôi tập trung. Người dân La Hủ ở Hà Si biết trồng lúa nước hai vụ, chăn nuôi bò thì đời sống sẽ dần ổn định.
Thấy phóng viên ai cũng mẩn ngứa nhiều chỗ trên tay và gãi sột soạt, Trung úy Giàng A Tráng cười, cho biết: “Các anh bị ruồi vàng đốt, ngứa lắm, có người còn bị sưng to lâu ngày mới khỏi. Bộ đội Biên phòng ăn, ở quen hơi nên có bị ruồi vàng đốt đâu”. Đúng như câu truyền khẩu “ruồi vàng, bọ chó, gió Than Uyên” là nỗi khiếp đảm của người dân Lai Châu.
Bà con La Hủ bản Hà Si đã có cái ăn, cái mặc, không còn cảnh đói rét trên rừng sâu như trước nữa. Ảnh: Việt Hoàng – TTXVN |
Theo lãnh đạo xã Pa Ủ, trước năm 2010, đời sống của người dân La Hủ rất khó khăn, có tư tưởng ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước, vì vậy một trăm phần trăm thuộc diện hộ nghèo. Bí thư Đảng ủy xã Pa Ủ Trịnh Đình Vụ cho biết, năm 2009, mảnh đất này chưa có điện thắp sáng và sóng điện thoại, giao thông đi lại vất vả. Học sinh ít, trường lớp, nơi ăn chốn nghỉ của thầy cô và trò tạm bợ. Học sinh thường bỏ học theo bố mẹ vào rừng ở, tỷ lệ chuyên cần thấp.
Về ở tập trung, ổn định đời sống, con em người La Hủ được tới trường học chữ- Ảnh: Việt Hoàng |
Việt Hoàng
(TTXVN)