Chuyện người mang “quân hàm xanh” đi cắm bản (Bài 1)

Chuyện người mang “quân hàm xanh” đi cắm bản (Bài 1)
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng xem “biên giới là quê hương, đồng bào dân tộc là anh em ruột thịt” không quản khó khăn, gian khổ, tăng cường tham gia cấp ủy để củng cố hệ thống chính trị cơ sở, làm nhà Đại đoàn kết giúp bà con vùng biên ổn cư, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Quân với dân trở thành “cột mốc sống tiền tiêu” bảo vệ chủ quyền biên giới vững chắc. Để ghi nhận những đóng góp của các cán bộ, chiến sĩ ấy, phóng viên TTXVN thực hiện loạt 5 bài viết với chủ đề: Chuyện người mang “quân hàm xanh” đi cắm bản.
 Bài 1: Ăn cơm Đồn biên phòng, hết lòng làm việc xã

Những năm qua, thực hiện chủ trương tăng cường Bộ đội Biên phòng về các xã biên giới tham gia cấp ủy làm Bí thư, Phó Bí thư đã phát huy hiệu quả. Người chiến sĩ “quân hàm xanh” đã cùng với tập thể triển khai nhiều giải pháp củng cố, nâng cao năng lực hoạt động tổ chức Đảng, chính quyền ở cơ sở, từng bước xóa đói giảm nghèo ở vùng đất biên viễn.

Tâm huyết với công việc

Chiều thu biên giới ở xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ (Lai Châu), người dân tấp nập vận chuyển chuối từ khắp các triền núi về điểm thu mua. Cuối buổi làm việc tại trụ sở, Thiếu tá Lê Văn Dung - Bí thư Đảng ủy xã Huổi Luông xuống các hộ dân thăm hỏi, nắm tình hình địa bàn và nghe tâm tư nguyện vọng của bà con dân bản. Có mặt tại hộ người Mông Giàng A Mé, Thiếu tá Lê Văn Dung hỏi han về năng suất vườn chuối và vận động gia đình hiến đất để xây dựng khu thu mua chuối tập trung, nhằm bảo đảm môi trường và an toàn lưu thông, ổn định giá cho người dân. Anh Mé đã vui vẻ nhận lời.

Chúng tôi hỏi anh Mé, sao chính quyền vận động hiến gần nghìn mét vuông đất nằm cạnh đường trung tâm xã mà nhận lời ngay? Anh Mé cười nói: “Cán bộ Dung đã có lời thì mình nghe, vì muốn tốt cho dân bản”.

Thiếu tá Lê Văn Dung - Bí thư Đảng ủy xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ (Lai Châu) (người đầu tiên bên phải) vận động gia đình anh Giàng A Mé hiến đất làm nơi thu mua chuối tập trung. Ảnh: Việt Hoàng – TTXVN
Thiếu tá Lê Văn Dung - Bí thư Đảng ủy xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ (Lai Châu) (người đầu tiên bên phải) vận động gia đình anh Giàng A Mé hiến đất làm nơi thu mua chuối tập trung. Ảnh: Việt Hoàng – TTXVN

Theo lãnh đạo Bộ đội Biên phòng Lai Châu, Thiếu tá Lê Văn Dung là một trong hai người đầu tiên tăng cường xuống xã làm Phó Bí thư Đảng ủy xã từ năm 2007. Từ năm 2010 đến nay, đã có 20 cán bộ biên phòng tăng cường tham gia cấp ủy của 20 xã biên giới. Gần 13 năm “ăn cơm Đồn biên phòng, làm việc xã”, Thiếu tá Lê Văn Dung đã có nhiều đóng góp cho phát triển xã Huổi Luông.

Thiếu tá Dung cho biết, thời điểm đầu về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Huổi Luông, hoạt động tổ chức Đảng và chính quyền yếu kém, chưa quy củ. Đội ngũ cán bộ xã hầu hết mới học văn hóa hết lớp 3, không có chuyên môn; xã có 9 chi bộ với 70 đảng viên, 5/21 bản trắng đảng viên và 7 bản chưa có chi bộ; tỷ lệ hộ nghèo của xã Huổi Luông cao, chiếm trên 57%...

Nhận nhiệm vụ, Thiếu tá Dung tham mưu cho cấp ủy tập trung củng cố hệ thống chính trị, phát triển đảng viên để thành lập chi bộ, xây dựng kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng cán bộ theo phương châm vừa học vừa làm; triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế để từng bước nâng cao thu nhập cho người dân… Hiện nay, các bản đã có đảng viên và thành lập được chi bộ, toàn xã có 196 đảng viên (140 đảng viên người dân tộc thiểu số); cơ bản cán bộ xã đạt về trình độ văn hóa, chuyên môn. Kinh tế phát triển, thu nhập bình quân gần 33 triệu đồng/người/năm (năm 2007 là khoảng 5 triệu đồng); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 16%. Theo kế hoạch, năm 2020 xã Huổi Luông sẽ về đích đạt xã nông thôn mới.

Người dân xã Huổi Luông đầu tư phát triển trồng chuối, thu nhập cao và ổn định, nhiều hộ thoát nghèo và khấm khá. Ảnh: Việt Hoàng – TTXVN
Người dân xã Huổi Luông đầu tư phát triển trồng chuối, thu nhập cao và ổn định, nhiều hộ thoát nghèo và khấm khá. Ảnh: Việt Hoàng – TTXVN

Ghi nhận vai trò của Bộ đội Biên phòng tăng cường xuống cơ sở tham gia cấp ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Vũ Văn Hoàn khẳng định, với sự đóng góp của Bộ đội Biên phòng, tình trạng bản trắng đảng viên và chưa có chi bộ ở các xã biên giới đã được giải quyết; bộ máy, hoạt động của hệ thống chính trị các xã có nhiều chuyển biến tích cực, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ xã được nâng lên. Cán bộ Biên phòng tăng cường là người trung tâm giữ mối đoàn kết trong nội bộ địa phương.

Lo cho dân
   
Năm 2015, Thiếu tá Lê Văn Dung được bầu Bí thư Đảng ủy xã Huổi Luông, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, anh hết lòng vì bà con dân bản, nên được yêu quý. Người dân từ việc nhỏ đến việc lớn không xử lý được lại đến nhờ sự giúp đỡ của anh.

Năm 2013, Cao A Hớ ở bản Ma Lù Thàng 2, xã Huổi Luông, khai thác quặng trái phép, lực lượng chức năng vào lập biên bản thì bị đánh dẫn đến thương tích. Cao A Hớ bị truy tố và phải ở tù. Hớ bị bệnh viêm loét dạ dày nên đau thường xuyên, không ăn uống được, người nhà đã lên gặp Thiếu tá Dung xin giúp đỡ. Sau khi Hớ được ra tù trước thời hạn 6 tháng, Thiếu tá Dung đã cùng gia đình đưa Hớ về Hà Nội chữa trị khỏi bệnh, trở về nhà làm ăn lương thiện. Gia đình Cao A Hớ xem Thiếu tá Dung như người con, người anh trong nhà, nên thi thoảng có quả trứng gà, mớ rau rừng, nải chuối đều mang đến biếu.

Cuối năm 2013, người dân tộc Mông theo đạo ở bản Làng Vây 1 tranh chấp đất sản xuất với dân bản bên cạnh, nghe theo người xấu xúi giục nên bất hợp tác với chính quyền thời gian dài. Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với chính quyền xã lập tổ công tác tại bản Làng Vây 1, vận động bà con thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Học sinh xã Huổi Luông ý thức bảo vệ đường biên, mốc giới. Ảnh: Việt Hoàng – TTXVN
Học sinh xã Huổi Luông ý thức bảo vệ đường biên, mốc giới.
Ảnh: Việt Hoàng – TTXVN

Ngày 18/5/2016 diễn ra bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp tại xã Huổi Luông, 24/110 hộ ở bản Làng Vây 1 nhất quyết không đi bầu cử. Cán bộ huyện vào địa bàn bị các hộ dân này vây hãm. Thiếu tá Dung cùng Tổ công tác đã vào bản Làng Vây 1 gặp người già có uy tín và trưởng nhóm đạo đến từng nhà khuyên nhủ. Người dân nghe thấu tình đạt lý nên vui vẻ, đồng thuận đi bầu cử, mâu thuẫn phức tạp đã được hóa giải.

Theo Thiếu tá Lê Văn Dung, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương phải kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân; xây dựng các mô hình phát triển kinh tế giúp bà con giảm đói nghèo; quan tâm công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thôn, bản có uy tín, trách nhiệm; không phân biệt người theo đạo hay không theo đạo nhằm cô lập được kẻ xấu lợi dụng lôi kéo…

Lực lược Biên phòng thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương chính sách tới bà con. Ảnh: Việt Hoàng – TTXVN
Lực lược Biên phòng thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương chính sách tới bà con. Ảnh: Việt Hoàng – TTXVN

Đánh giá về chủ trương đưa Bộ đội Biên phòng tăng cường xuống cơ sở, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng, Thiếu tướng Lê Như Đức cho biết, hiện nay toàn lực lượng có 308 cán bộ Bộ đội Biên phòng tăng cường các xã biên giới làm Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy xã. Đội ngũ cán bộ Biên phòng tăng cường về xã đã tham mưu, thực hiện củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Đảng, chính quyền ở cơ sở; đánh giá cụ thể tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa bàn, từ đó xây dựng kế hoạch, đưa ra giải pháp, đề xuất phương án đầu tư, hỗ trợ, từng bước xây dựng khu vực biên giới vững mạnh. (Còn tiếp)
Việt Hoàng
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm