Chuyện người mang “quân hàm xanh” đi cắm bản (Bài 3)

Chuyện người mang “quân hàm xanh” đi cắm bản (Bài 3)
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng xem “biên giới là quê hương, đồng bào dân tộc là anh em ruột thịt” không quản khó khăn, gian khổ, tăng cường tham gia cấp ủy để củng cố hệ thống chính trị cơ sở, làm nhà Đại đoàn kết giúp bà con vùng biên ổn cư, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Quân với dân trở thành “cột mốc sống tiền tiêu” bảo vệ chủ quyền biên giới vững chắc. Để ghi nhận những đóng góp của các cán bộ, chiến sĩ ấy, phóng viên TTXVN thực hiện loạt 5 bài viết với chủ đề: Chuyện người mang “quân hàm xanh” đi cắm bản.
 Bài 3: Xóa nghèo cho người dân bằng nhiều mô hình kinh tế
Điều kiện kinh tế - xã hội khu vực biên giới chậm phát triển so với các vùng khác, tỷ lệ hộ nghèo luôn ở mức cao, đời sống người dân khó khăn. Bộ đội Biên phòng đã xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp để giúp người dân tập trung làm ăn, vươn lên thoát nghèo.Lựa chọn mô hình phù hợp Theo Thiếu tướng Lê Như Đức, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng, mỗi Đồn Biên phòng lựa chọn một mô hình giúp người dân phát triển kinh tế phù hợp với tình hình địa bàn. Bằng nhiều hình thức, cách làm hiệu quả của các đơn vị, đến nay nhiều mô hình đang được nhân rộng tại các địa phương, mang lại hiệu quả thiết thực như: Chương trình “Bò giống giúp người nghèo nơi biên giới”, mô hình “lúa nước 2 vụ”, mô hình chăn nuôi gia súc tập trung của Hợp tác xã đoàn kết... Sự vất vả của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng ở cơ sở đã góp phần tô thắm thêm hình ảnh tốt đẹp về "Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc khu vực biên giới. Vào bản Hà Xi, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè (Lai Châu), nghe chuyện Bộ đội Biên phòng giúp người dân trồng lúa nước được người La Hủ nơi đây ví như giấc mơ trong chuyện “cổ tích”. Bản Hà Xi có 59 hộ, 251 khẩu, 100% là người dân tộc La Hủ. Dù đã được Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương hỗ trợ hàng trăm ngày công, san gạt mặt bằng và dựng nhà, tổ chức khai hoang làm lúa nước, ổn canh ổn cư nhưng do ảnh hưởng của thiên tai, đồng bào La Hủ vốn quen với tập quán "chọc lỗ bỏ hạt" nên diện tích lúa nước đã không được duy trì, dẫn đến việc thiếu đói giáp hạt.
Bộ đội biên phòng hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc lúa nước 2 vụ cho bà con La Hủ ở xã Pa Ủ, huyện Mường Tè (Lai Châu). Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN
Bộ đội biên phòng hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc lúa nước 2 vụ cho bà con La Hủ ở xã Pa Ủ, huyện Mường Tè (Lai Châu). Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN
Trung tá Vũ Đức Phương, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pa Ủ cho biết, để người La Hủ ở Hà Xi thoát khỏi đói nghèo, Ban Chỉ huy Đồn xác định, khôi phục lúa nước giúp người dân canh tác là giải pháp tốt nhất. Từ chủ trương đến hành động, đầu năm 2018, Đồn Biên phòng đã xây dựng kế hoạch triển khai mô hình trồng lúa nước hai vụ tại bản Hà Xi. Bộ đội Biên phòng tổ chức họp bản để tuyên truyền về hiệu quả của việc trồng lúa nước nhưng cũng chỉ vận động được gia đình anh Hoàng Hừ Xa, Bí thư Chi bộ bản tham gia.
Tháng 7/2018, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Ủ đã giúp người dân cày đất, khoanh thửa gần 1 ha, mua gần 400 m ống để dẫn nước từ suối về. Đồn Biên phòng còn hỗ trợ giống, phân bón, cử cán bộ có chuyên môn hướng dẫn đồng bào từ việc cày, cuốc đến làm đất, gieo hạt, chăm sóc và thu hoạch… Vụ mùa đầu tiên cho năng suất đạt gần 2 tấn thóc, người dân Hà Xi ngỡ ngàng bởi cây lúa nương của người La Hủ trồng chưa bao giờ đạt năng suất cao như vậy. Vụ thứ hai năng suất tăng gần gấp đôi, thấy hiệu quả nên nhiều hộ ở Hà Xi đề nghị Bộ đội Biên phòng hỗ trợ trồng lúa.
Người dân La Hủ đã biết trồng lúa nước 2 vụ cho năng suất cao. Ảnh: Việt Hoàng – TTXVN
Người dân La Hủ đã biết trồng lúa nước 2 vụ cho năng suất cao.
Ảnh: Việt Hoàng – TTXVN
Cán bộ Biên phòng đã khảo sát, đánh giá trên địa bàn có thể mở rộng 15 ha ruộng lúa. Nếu tổ chức khai hoang và canh tác tốt diện tích ruộng này sẽ đảm bảo lương thực tại chỗ cho đồng bào. Thời gian tới, Đồn Biên phòng Pa Ủ sẽ có văn bản đề nghị các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn huyện Mường Tè nhân rộng diện tích lúa nước ở bản Hà Xi, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pa Ủ khẳng định. Chúng tôi vào Hà Xi đúng thời điểm vụ lúa thứ ba của gia đình anh Hoàng Hừ Xa đang ngả màu vàng óng. Nâng bông lúa trĩu hạt, anh Xa chia sẻ: “Tôi là Bí thư Chi bộ, đảng viên nên gương mẫu đi đầu làm thử nghiệm trồng lúa nước hai vụ. Người dân bản mình thấy hiệu quả thì làm theo”.Cầm tay chỉ việc Trước đây, khi mới vận động đồng bào La Hủ chuyển về sống tập trung tại các bản, nhận thấy người vùng biên chưa quen với cách chăn nuôi khoa học nên nhiều dự án hỗ trợ của Nhà nước đưa về hiệu quả không cao, con giống kém phát triển, tỷ lệ chết nhiều. Rút kinh nghiệm từ những chương trình trước, năm 2016, Đồn Biên phòng Pa Ủ và chính quyền huyện Mường Tè triển khai mô hình nuôi bò ở hai bản Mu Chi và Tân Biên, không giao con giống cho người dân tự chăm sóc mà cử cán bộ trực tiếp xuống cùng đồng bào chăn thả.
Để bà con dân tộc hiểu và làm theo, Bộ đội Biên phòng phải tận tình “cầm tay chỉ việc”. Ảnh: Việt Hoàng
Để bà con dân tộc hiểu và làm theo, Bộ đội Biên phòng phải tận tình “cầm tay chỉ việc”. Ảnh: Việt Hoàng
Theo ông Lý Phí Giá, Chủ tịch UBND xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, nuôi bò tập trung, có Bộ đội Biên phòng hướng dẫn “cầm tay chỉ việc” và quản lý, đảm bảo tỷ lệ con giống sinh trưởng, phát triển tốt. Qua đó, người dân tiếp thu kiến thức, tích lũy kinh nghiệm trong chăn nuôi. Khi chia bò về cho các hộ dân tự chăm sóc, hiệu quả tái đàn sẽ cao hơn, đời sống đồng bào cũng khấm khá hơn.
Người dân Bản Mu Chi, xã Pa Hủ được bộ đội Biên phòng hướng dẫn trồng cỏ voi có nguồn thức ăn chăn nuôi bò. Ảnh: Việt Hoàng – TTXVN
Người dân Bản Mu Chi, xã Pa Hủ được bộ đội Biên phòng hướng dẫn trồng cỏ voi có nguồn thức ăn chăn nuôi bò. Ảnh: Việt Hoàng – TTXVN
Chị Ly Lô Pơ ở bản Tân Biên, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, chia sẻ: Bộ đội Biên phòng hướng dẫn cách chăm sóc, chăn thả và trồng cỏ nuôi bò, người dân áp dụng, làm theo. Đồng bào rất phấn khởi thấy đàn bò sinh trưởng, phát triển tốt.
Cán bộ Bộ đội Biên phòng hướng dẫn đồng bào chăn nuôi bò hiệu quả. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN
Cán bộ Bộ đội Biên phòng hướng dẫn đồng bào chăn nuôi bò hiệu quả.
Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN
Từ đàn bò ban đầu giao nhận là 40 con, với 40 hộ, sau gần 3 năm, nhờ sự giúp đỡ của các chiến sĩ Biên phòng, đến nay đàn bò đã phát triển lên 60 con. Theo kế hoạch, đến năm 2020, Đồn Biên phòng sẽ bàn giao cho các hộ tự chăm sóc.
Mô hình nuôi bò “quân và dân” ở xã Pa Ủ, huyện Mường Tè (Lai Châu) phát triển tốt, tái đàn nhanh, giúp bà con thoát nghèo. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN
Mô hình nuôi bò “quân và dân” ở xã Pa Ủ, huyện Mường Tè (Lai Châu) phát triển tốt, tái đàn nhanh, giúp bà con thoát nghèo. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN
Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu Phan Hồng Minh cho biết, thông qua những mô hình phát triển kinh tế mà Đồn Biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện đã giúp người dân tự chủ trong lao động, sản xuất. Đồng bào dân tộc địa bàn biên giới đã có ý thức tự vươn lên, từng bước ổn định cuộc sống, tăng thêm lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và Bộ đội Biên phòng, xây dựng thế trận Biên phòng toàn dân vững mạnh. (Còn tiếp)

Việt Hoàng
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm