Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng xem “biên giới là quê hương, đồng bào dân tộc là anh em ruột thịt” không quản khó khăn, gian khổ, tăng cường tham gia cấp ủy để củng cố hệ thống chính trị cơ sở, làm nhà Đại đoàn kết giúp bà con vùng biên ổn cư, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Quân với dân trở thành “cột mốc sống tiền tiêu” bảo vệ chủ quyền biên giới vững chắc. Để ghi nhận những đóng góp của các cán bộ, chiến sĩ ấy, phóng viên TTXVN thực hiện loạt 5 bài viết với chủ đề: Chuyện người mang “quân hàm xanh” đi cắm bản.
Bài 4: Cột mốc trong sân nhà
Trên dặm dài biên ải xa xôi, hiểm trở, các chiến sĩ Biên phòng không chỉ độc hành thực hiện nhiệm vụ mà có tình thương yêu đùm bọc của đồng bào các dân tộc. Mỗi người dân sinh sống sát biên giới chính là đôi mắt, cánh tay nối dài cùng lực lượng Biên phòng bảo vệ vững chắc từng tấc đất, cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Cột mốc 67(2) là niềm tự hào của người dân bản Hùng Pèng, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ (Lai Châu). Ảnh: Việt Hoàng – TTXVN |
Xung phong bảo vệ mốc giới
Trên đường tuần tra cùng các chiến sĩ Đồn Biên phòng Ma Lù Thàng, qua bản Hùng Pèng, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ (Lai Châu), chúng tôi bắt gặp hình ảnh đồng bào các dân tộc đang quây quần bên cột mốc 67(2) trên sân nhà của một hộ dân.
Đại úy Phạm Tuân, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ma Lù Thàng cho biết, vị trí cột mốc 67(2) được cắm từ năm 2008. Hằng ngày, người dân bảo vệ, dọn dẹp sạch sẽ cột mốc này. Trên địa bàn có vấn đề gì xảy ra, người dân báo cho Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương để kịp thời xử lý.
Cột mốc lát đá hoa, dọn dẹp sạch sẽ là chỗ vui chơi của các cháu nhỏ trong bản Hùng Pèng. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN |
Bản Hùng Pèng được thành lập theo Đề án sắp xếp ổn định cuộc sống, định canh, định cư, di giãn dân ra biên giới của tỉnh Lai Châu. Năm 2005, Bộ đội Biên phòng cùng chính quyền địa phương làm nhà, hỗ trợ 27 hộ người Dao ổn canh ổn cư, gắn bó với biên giới. Hiện nay, bản Hùng Pèng có 47 hộ, 174 khẩu, người dân trồng chuối và làm nương nên thu nhập ổn định, bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng/năm. Thời gian đầu người dân ra lập bản, hầu hết các hộ trong bản đều là hộ nghèo. Sau gần 16 năm ổn cư, giờ đây nhiều hộ đã vươn lên khá giả, toàn bản chỉ còn 5 hộ nghèo theo tiêu chí mới.
Gia đình anh Teo Văn Dự tự hào và ý thức bảo vệ cột mốc 67(2) bản Hùng Pèng, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ (Lai Châu). Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN |
Ngồi dưới hiên nhà xây kiên cố, nhâm nhi chén chè xanh, chúng tôi được nghe chuyện kể về gia đình anh Teo Văn Dự xung phong nhận bảo vệ cột mốc trên sân nhà mình. Khi phân giới cắm mốc, cột mốc 67(2) được chọn vị trí dựng trên sân nhà anh Dự, gia đình vui vẻ đồng thuận và nói với cán bộ cho được bảo vệ cột mốc. Cột mốc được lát đá hoa và hằng ngày được dọn sạch sẽ. Chúng tôi đã đi qua nhiều cột mốc nhưng chưa bao giờ gặp cột mốc quốc giới nằm ngay trên sân nhà của người dân như ở bản Hùng Pèng. Hình ảnh này là sự cam kết thủy chung của đồng bào các dân tộc nơi đây với chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Hôm nay, sân nhà anh Teo Văn Dự nhộn nhịp, đông đúc, học sinh tại điểm bản được cô giáo Nguyễn Thị Tám đưa xuống cột mốc để thực hiện hoạt động ngoại khóa, với chủ đề “Biên giới với trường học”.
Thiếu úy Sùng A Sơn, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ma Lù Thàng say sưa kể cho người dân và học sinh về sự hi sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc của cha ông. Do vậy, người dân cần có ý thức giữ gìn đường biên, mốc giới như bảo vệ thân thể của mình.
Cán bộ Biên phòng tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ đường biên, mốc giới cho học sinh, người dân khu vực biên giới. Ảnh: Việt Hoàng |
Mỗi người dân là một cột mốc
Ấm chè xanh gia đình anh Teo Văn Dự pha mời khách để lâu thêm đượm màu. Bí thư, Trưởng bản Hùng Pèng Lý Dâu Phùng chạy xe máy vào nhà anh Dự hồ hởi chia sẻ: Hôm nay, là phiên trực của gia đình nên anh đi xe máy dọc đường biên giới dài 7 km để kiểm tra mốc giới. Anh Phùng là Tổ trưởng Tổ tự quản đường biên, mốc giới bản Hùng Pèng, tổ có 7 thành viên được giao nhiệm vụ tự quản mốc giới M66(2) và đoạn biên giới từ M66(2) đến M67(2). Đường biên giới thuộc địa phận các xã Ma Ly Pho, Huổi Luông (huyện Phong Thổ) sát gần khu dân cư sinh sống, có đoạn chỉ một bước chân là đã sang bên kia biên giới.
Theo Đại úy Phạm Tuân, thời gian qua, Tổ tự quản đường biên, mốc giới bản Hùng Pèng hoạt động rất hiệu quả, phát hiện nhiều vụ việc phức tạp, giúp cơ quan chức năng xử lý kịp thời, không làm phức tạp thêm tình hình. Cụ thể, năm 2008, người dân Hùng Pèng phát hiện 2 đối tượng nước bạn mang theo súng săn sang đất xã Ma Ly Pho để khai thác lâm sản và đốt rừng. Đồng bào báo ngay với Bộ đội Biên phòng, gần 30 người trong bản đã vào rừng vây bắt được đối tượng… Vụ việc diễn ra mới đây nhất, tháng 10/2019, người dân Hùng Pèng phát hiện một người lạ vận chuyển trái phép pháo nổ từ bên kia biên giới vào Việt Nam và đã báo lực lượng Biên phòng để bắt giữ.
Theo quy định, Bộ đội Biên phòng cùng chính quyền địa phương rà soát, lựa chọn đại diện các hộ sinh sống, có đất sản xuất gần đường biên, mốc giới, là người có trách nhiệm… để lập danh sách trình UBND huyện ra quyết định thành lập Tổ tự quản. Đại diện hộ dân được chọn ký cam kết tham gia phong trào tự quản đường biên, mốc quốc giới và giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới. Tổ tự quản được thành lập đi vào hoạt động có tổ chức, phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng tuần tra, nắm bắt tình hình trên địa bàn, gắn với nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở.
Bà con dân bản Hùng Pèng gìn giữ, bảo vệ cột mốc 67(2) trong sân nhà mình.Ảnh: Việt Hoàng |
Hiện nay, toàn tỉnh Lai Châu có 1.067 già làng, trưởng bản, người có uy tín. Đây là lực lượng nòng cốt góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc.
Qua phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” đã có 63 tập thể, 460 cá nhân tham gia đăng ký tự quản mốc giới. Phó Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu Vũ Văn Hoàn khẳng định: Đồng bào các dân tộc sinh sống sát biên giới đã tích cực tham gia phong trào bảo vệ chủ quyền biên giới, bảo vệ vùng đất mà mình đang sinh sống. Mặc dù thành viên Tổ tự quản không có chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhưng người dân vẫn ý thức cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ từng tấc đất nơi biên ải.
Trên đường về Đồn Biên phòng Ma Lù Thàng, chúng tôi vào nghĩa trang liệt sĩ thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ mảnh đất này được bình yên. Tấm bia khắc dài những dòng tên liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới năm 1979. Đây là hình dáng của cột mốc được dựng bằng xương máu của quân và dân ta đã chiến đấu để giữ gìn non sông đất nước. (Còn tiếp)
Việt Hoàng
(TTXVN)