Nhằm thực hiện mục tiêu phát triển loại hình nuôi tôm sinh thái theo hướng bền vững, tỉnh Cà Mau quy hoạch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 sẽ chuyển đổi khoảng 30.000 ha diện tích mặt nước nuôi theo hình thức tôm rừng sang nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng. Tỉnh xây dựng vùng nuôi tôm sinh thái tập trung, mục tiêu đến 2025 có khoảng 35.000 ha được các tổ chức quốc tế chứng nhận tôm sinh thái.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, trong số diện tích gần 25.000 ha nuôi tôm rừng hiện nay ở Cà Mau thì có khoảng 19.000 ha đạt các chứng nhận quốc tế. Đây là thế mạnh của tỉnh, khẳng thương hiệu tôm sinh tái của Cà Mau trên thương trường quốc tế. Mô hình nuôi tôm rừng có tác động tích cực tới nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái rừng ngập mặn, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đa dạng sản phẩm thủy sản dưới tán rừng, có tính bền vững và ít rủi ro, không gây tác động đến môi trường, phù hợp với vùng đất ngập mặn.
Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, cho biết nuôi tôm sinh thái là loại hình nuôi đáp ứng được cùng lúc 2 mục tiêu đó là vừa phát triển kinh tế và vừa bảo vệ môi trường sinh thái để hướng tới một nghề nuôi bền vững thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay.
Do đó, thời gian tới, địa phương tăng cường tập trung khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển ngành tôm nói chung và phát triển nuôi tôm sinh thái nói riêng theo định hướng, mục tiêu của Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tỉnh tập trung xây dựng cơ bản vùng nuôi tôm sinh thái tập trung và trở thành một trong những loại hình nuôi trồng thủy sản trọng tâm của tỉnh; xây dựng thương hiệu tôm sinh thái rừng ngập mặn kết hợp với du lịch sinh thái, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người dân.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động các hợp tác xã nuôi tôm; xúc tiến nhanh việc tổ chức các chuỗi sản xuất liên kết với vai trò doanh nghiệp xuất khẩu làm nồng cốt để hỗ trợ nông dân trong khâu tiêu thụ sản phẩm ổn định, giá bán sản phẩm tăng cao; kêu gọi các doanh nghiệp thủy sản liên kết, hỗ trợ người tôm trong phát triển loại hình nuôi tôm sinh thái và trong tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, khoa học - kỹ thuật, thực hiện tiêu chuẩn nuôi theo quy trình kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường, tăng giá trị và lợi thế cạnh tranh của sản phẩm tôm sinh thái của Cà Mau; chú trọng giải pháp quản lý, kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên tôm giống, đảm bảo về chất lượng sản phẩm tôm sinh thái của tỉnh.
Kim Há