Chuyện của người lính vinh dự được đi đón Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Năm 16 tuổi, ông Thi đã là thành viên trong tổ quân báo của đội du kích địa phương với nhiệm vụ trinh sát nắm tình hình địch và phối hợp tác chiến với các đơn vị quân đội đóng tại địa bàn tỉnh Hà Nam Ninh. Do có nhiều thành tích, năm 19 tuổi, ông đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ Đảng, đồng thời được chính thức biên chế trong đoàn quân chính quy của Tiểu đoàn 632, tiền thân Trung đoàn 34 được thành lập từ năm 1945 ở Nam Định. 

Khi đóng quân ở vùng Ninh Bình, đơn vị của ông Thi bất ngờ được lệnh hành quân thần tốc lên vùng Nước Hai (tỉnh Cao Bằng). Đến năm 1950, ông cùng một số đồng đội được cử đi học về pháo binh tại một trường quân sự ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Năm 1952, ông Thi và các đồng chí hoàn thành xuất sắc khóa học và trở về Việt Nam . Vào thời gian đó, quân ta đang vận chuyển pháo cao xạ từ Trung Quốc về Lào Cai. Đầu năm 1953, đơn vị của ông (lúc này là Trung đoàn pháo binh 45) chuyển về đóng quân tại một vùng rừng núi hiểm trở, bí mật, giáp ranh giữa Tuyên Quang, Yên Bái và Phú Thọ. 
Trong khoảng thời gian này, ông Thi đã vinh dự được gặp Bác Hồ. Ông kể: “Một buổi tối mùa khô năm 1953, đơn vị tôi vừa được lệnh tham gia chiến dịch Đông – Xuân. Đồng chí Phạm Ngọc Mậu, Chính ủy F351 giao cho tôi nhiệm vụ ra “đường 12” đón và dẫn Bác Hồ về thăm đơn
vị. Địa điểm đón tiếp Bác được đơn vị bố trí ở một Hội trường bí mật nằm trên vùng đất Phú Thọ bây giờ. Khi mới gặp Bác, trước mắt tôi là một ông cụ có dáng người dong dỏng, tay cầm chiếc đèn bão, bước đi nhanh nhẹn. Trên đường về đơn vị, Bác ân cần hỏi tên tuổi, sức khỏe và gia đình tôi ở quê thế nào; Bác hỏi quá trình anh em học tập ở nước ngoài có vất vả không. Những câu chuyện hỏi thăm và sự hồi hộp của một chiến sỹ trẻ lần đầu tiên được gặp Bác khiến quãng đường rừng vài cây số dường như ngắn lại. Về gần đơn vị, tôi báo cáo với Bác và đoàn bảo vệ đứng chờ ít phút, để mình vào báo cáo thủ trưởng. Báo cáo xong, tôi hồ hởi dẫn thủ trưởng ra đón Bác thì bất ngờ không thấy Bác và đoàn người bảo vệ gần chục người đâu” .
Người cựu chiến binh nhớ lại, lúc đó, ông hoang mang đến tột độ. Ông liên tục phân bua với thủ trưởng rằng vừa ít phút trước Bác còn đứng đây, vậy mà... Thủ trưởng đã phê bình ông không hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí còn nói rằng ông đã để Bác lạc đường. Thế rồi, khi ông cùng thủ trưởng quay lại hội trường, cả hai đã vô cùng bất ngờ khi thấy Bác đã xuất hiện trong hội trường trong tiếng vỗ tay hân hoan chào đón của các chiến sỹ. Về sau mới biết, hóa ra trong khi ông Thi đi báo cáo với thủ trưởng của mình thì Bác cùng đoàn bảo vệ đã tranh thủ đi tham quan khu nhà ăn, chỗ nghỉ ngơi của các chiến sĩ. 
Ông Thi bồi hồi xúc động: “Tôi vừa mừng vì Bác đã ở đây lại vừa thấy cảm phục Người vô cùng. Bác là lãnh đạo nhưng gần gũi quá. Người tranh thủ từng phút để thăm nom xem chiến sỹ chúng tôi ăn ở như thế nào”. 
Sau lần được Bác đến thăm, đơn vị của ông Thi nhận lệnh cấp tốc hành quân lên Tây Bắc chuẩn bị chiến dịch Trần Đình (về sau ông mới biết đây là một ‘bí danh’ của chiến dịch Điện Biên Phủ). Đơn vị ông Thi tập kết ở ngã 3 Tuần Giáo với pháo 105 ly
và pháo cao xạ 37 ly. Sau đó đơn vị được lệnh hiệp đồng với Sư đoàn 312 có bộ binh chi viện, kéo pháo ngược lên núi để dần vào chiếm lĩnh trận địa. Khi kéo pháo ta dùng cây song, mây lấy trong rừng tết thành dây thừng và tời tay, gỗ chèn kết hợp với sức người đề đưa những khẩu pháo nặng hàng ngàn cân ngược dãy núi Phú Hồng sừng sững. Tiến đến đâu, ta lại ngụy trang tới đó, do dưới tán rừng cây rậm rạp nên địch khó phát hiện được có cả một trận địa pháo đang di chuyển đến sát sào huyệt và chờ thời cơ nã đạn vào đầu chúng. 
Ông Thi còn có một vinh dự nữa. Tháng 10/1953, ông được thủ trưởng phân công dẫn đầu một tốp chiến sỹ đi đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi ấy đang ở cách đơn vị ông khoảng 20km. Ông nói vui, rút kinh nghiệm trong lần đón Bác, lần này ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Điều mà ông Thi ấn tượng nhất khi được gặp Đại tướng, đó chính là sự ân cần của Đại tướng mà lúc đó các chiến sỹ thân mật gọi là anh Văn. Ông cũng thể hiện sự kính phục đối với tài trận mạc của Đại tướng. Chính nhờ chủ trương “đánh chắc, tiến chắc” của Đại tướng mà ông và anh em trong đơn vị thoát chết. Ông kể, trong lần thứ nhất, đơn vị ông đã kéo pháo lên xong xuôi, song lại được lệnh rút ra. Khi kéo pháo ngược núi lần 2, quân ta đã tiến sâu hơn, gần địch hơn và sang hẳn sườn núi bên kia, chỉ cách địch khoảng 3 – 5km. Khi ấy từng khẩu pháo của ta được ngụy trang cẩn thận, đặt trong hầm công sự kiên cố, có nắp hầm bảo vệ. Khi vừa ổn định vị trí tập kết kéo pháo lần 2 thì cũng là lúc trận địa pháo tập kết lần 1 của ta bị định nã pháo, máy bay trên không ném bom công kích tan tành, cây cối xơ xác. Như vậy, việc "lùi một bước rồi tiến sâu 2 bước" theo lệnh của cấp trên đã tránh được tổn thất lớn cho quân ta. 
Trận mở màn chiến dịch, 24 khẩu pháo của đơn vị ông đồng loạt khai hỏa đã gây ra tổn thất nặng nề cho địch từ những phút đầu trận đánh. Để khống chế trên vùng trời, cao xạ của ta luôn chĩa nòng cao, sẵn sàng nghênh đón các máy bay địch đi qua nhả đạn, vì vậy ta đã triệt tiêu cả đường tiếp tế trên không của địch, khiến địch nằm trong cứ điểm ngày càng nguy khốn, hoảng loạn. Chiều ngày 13/03/1954, cánh quân của đơn vị ông Thi bắt đầu nổ súng tiến công cứ điểm Him Lam, uy hiếp địch và khống chế vùng trời không cho máy bay định hạ cánh. Ngày 14/3/1954, phối hợp với quân chi viện từ hậu phương, cánh quân của đơn vị ông đã đánh chiếm được cứ điểm Him Lam và một phần đồi Độc Lập. 
Trong những ngày chiến sự ác liệt này, ông Thi lại tiếp tục nhận được một vinh dự nữa. “Trong ngày 16/3/1954, Trung đoàn 88 của ta đã giải phóng được đồi Độc Lập, đồng thời bộ binh của ta đã khống chế được bản Kéo nơi bọn ngụy Thái đóng giữ. Tôi đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký tặng thưởng “Huân chương chiến công hạng Ba” ngay trên trận địa, vì đã có công trinh sát, báo cáo tình hình địch kịp thời giúp quân ta nổ súng đúng thời điểm và đạt thắng lợi”- ông Thi xúc động nhớ lại. 
Trong những ngày tháng 5 lịch sử này, Đại tá Trịnh Đình Thi- người con của đất chiêm trũng Hà Nam lại bồi hồi xúc động, nhớ về những kỉ niệm sâu sắc nhất với đời người lính Điện Biên của mình. Với ông, Điện Biên Phủ luôn là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc ta./. 



Có thể bạn quan tâm