Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực ở Thanh Hóa

Chiều 10/4, Ban chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023. Hội nghị cũng triển khai nhiệm vụ năm 2024 và biểu dương 146 điển hình tiên tiến trong thực hiện phong trào thi đua hiến đất chung sức xây dựng nông thôn mới.

ThanhHoa.jpg
Tại hội nghị, 17 tập thể, 91 hộ gia đình và 38 cá nhân đã được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, vì có nhiều thành tích trong phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, giai đoạn 2021-2023. Ảnh: truyenhinhthanhhoa.vn

Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện năm 2024, đề ra các giải pháp cụ thể, khả thi, xác định rõ lộ trình để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, đúng quy định.

Cùng với việc thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương; theo chức năng, nhiệm vụ được giao, các cấp, các ngành cần chủ động rà soát, đánh giá lại hệ thống các cơ chế, chính sách của tỉnh đang còn hiệu lực để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung. Qua đó, ban hành cơ chế, chính sách mới phù hợp, nhất là các quy định về phân cấp, phân quyền, ủy quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đầu tư và sử dụng các nguồn vốn có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, kéo dài để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình trên địa bàn toàn tỉnh.

Các đơn vị tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm huy động tối đa các nguồn lực, kết hợp lồng ghép từ các chương trình, dự án, đề án khác có liên quan để tổ chức triển khai thực hiện Chương trình. Trong quá trình thực hiện cần lưu ý, nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư cho Chương trình là có hạn, vì vậy cần phải sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tránh dàn trải, lãng phí; tạo động lực dẫn dắt, thu hút đa dạng các nguồn lực cho đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn...

Theo Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, các đơn vị tăng cường thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, khu vực nông thôn, miền núi để tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, bảo đảm tính bền vững. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các nội dung thuộc Chương trình OCOP, phấn đấu mỗi xã có nhiều sản phẩm OCOP và toàn tỉnh có thêm nhiều sản phẩm OCOP quốc gia, cấp tỉnh có thương hiệu...

Thông tin tại hội nghị cũng cho thấy, từ sự đồng thuận và chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị và nhân dân, năm 2023 và quý I năm 2024, toàn tỉnh có thêm 1 đơn vị cấp huyện, 17 xã và 17 thôn, bản miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 14 xã và 173 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 187 sản phẩm được công nhận OCOP. Bình quân toàn tỉnh đạt 16,85 tiêu chí/xã.

Thực hiện chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh, 100% hồ sơ công việc cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được xử lý trên môi trường mạng, vượt chỉ tiêu so với chỉ tiêu đến năm 2025. Toàn tỉnh đã triển khai xây dựng được 14 thôn thông minh thuộc các xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu với lĩnh vực nổi trội về chuyển đổi số .

Năm 2023, cùng với nguồn vốn Trung ương, tỉnh hỗ trợ xây dựng nông thôn mới; nguồn vốn lồng ghép các chương trình, dự án và huy động các nguồn lực khác, các địa phương đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên 4.583 km đường giao thông nông thôn; 1.368 km giao thông nội đồng; 156 km kênh mương và rãnh thoát nước; 129 công trình thủy lợi; 1.096 phòng học các cấp; 523 km đường điện...

Phong trào hiến đất xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Một số huyện đã ban hành chủ trương riêng về hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn. Qua đó tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với vận động nhân dân hiến đất để mở rộng đường giao thông nông thôn. Từ đó, phong trào hiến đất mở rộng đường giao thông đã mang lại kết quả tích cực, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.

Tại hội nghị, các đại biểu dành nhiều thời gian thảo luận, chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình xây dựng nông thôn mới như kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền còn chênh lệch khá lớn, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh đạt 78,06%, trong đó, vùng đồng bằng đã đạt trên 98%, miền núi mới đạt 41,1%. Mặc dù, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới toàn tỉnh năm 2023 đạt cơ bản, tuy nhiên, một số huyện chưa hoàn thành chỉ tiêu được giao.

Khiếu Tư

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm