Thái Nguyên: Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia

Theo đánh giá của Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên, mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực song thực tế, việc triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia tại Thái Nguyên vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc như: Phạm vi và lĩnh vực của 3 Chương trình khá rộng, số lượng văn bản hướng dẫn lớn đòi hỏi nhiều thời gian nghiên cứu, xây dựng, ban hành và triển khai. Trong khi đó, cán bộ ở các cấp hạn chế về số lượng, còn kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi vị trí công tác...

vna_potal_hieu_qua_tu_giam_ngheo_o_huyen_phu_binh_thai_nguyen__7280194.jpg
Chị Hoàng Thị Thắm, là hộ cận nghèo của xóm Đồng Bầu, xã Tân Thành, huyện Phú Bình phấn khởi khi nhận được bò. Ảnh: Thu Hằng-TTXVN

Tại Điều 3, Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc "Phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025" quy định: Các xã thuộc khu vực III, II sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới sẽ xác định là xã khu vực I và thôi hưởng các chính sách áp dụng đối với xã khu vực III, II kể từ ngày có quyết định công nhận. Điều này ảnh hưởng đến phương án phân bổ vốn đầu tư công cho các huyện, các xã thuộc khu vực III, II khi địa bàn này vẫn cần nguồn lực đầu tư để hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới. Ngoài ra, tại những xã này, các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, phát triển sản xuất bị ảnh hưởng do cần thời gian hỗ trợ liên tục và đủ dài để phát huy hiệu quả...

Bên cạnh đó, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện công tác đào tạo nghề trên địa bàn các huyện vùng dân tộc thiểu số và miền núi) rất cần được cấp kinh phí để nâng cấp, mua sắm trang thiết bị phục vụ đào tạo nghề. Tuy nhiên, đối tượng thực hiện tiểu dự án 2, Dự án 5 lại không quy định “Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên” là đối tượng thực hiện của tiểu dự án. Điều này ảnh hưởng đến công tác đào tạo nghề cho lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi...

Để tháo gỡ các khó khăn trên, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục rà soát, hoàn thiện văn bản quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo thống nhất, đồng bộ trong triển khai; tập trung thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia để đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 Chương trình tại các địa phương. Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch vốn cấp có thẩm quyền đã giao, thúc đẩy việc giải ngân nguồn vốn ngân sách Trung ương và nguồn vốn ngân sách địa phương thực hiện các Chương trình. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố cân đối, bố trí nguồn vốn đối ứng theo phân cấp thực hiện Chương trình theo quy định, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án trên địa bàn để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia...

vna_potal_hieu_qua_tu_giam_ngheo_o_huyen_phu_binh_thai_nguyen__7280185.jpg
Anh Liểu Văn Hoàn ở xóm Suối Lửa, xã Tân Thành chuẩn bị xuất bán lứa gà 350 con được nhận hỗ trợ từ dự án giảm nghèo. Ảnh: Thu Hằng-TTXVN

Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 tổ chức vào trung tuần tháng 3 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng yêu cầu, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nâng cao trách nhiệm, tập trung triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn. Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của ngành, địa phương. Các đơn vị thực hiện nghiêm việc kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các Chương trình trên địa bàn. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh và trước pháp luật về việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia theo lĩnh vực, phạm vi quản lý...

Đến nay, tỉnh Thái Nguyên có 118/126 xã đạt chuẩn nông mới; 33 xã đạt chuẩn nông thông mới nâng cao; 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 6 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 giảm 1,33%; hộ cận nghèo giảm 0,82%. Hiện 100% xã trong tỉnh có đường ô tô đến trung tâm; 100% xóm có điện lưới quốc gia; trên 96% gia đình vùng dân tộc thiểu số và miền núi được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi có trường học kiên cố, nhà công vụ cho giáo viên, nhà ở cho học sinh ở những nơi cần thiết; 100% xã có trạm y tế, trong đó có trên 90% xã có bác sỹ...

Hoàng Thảo Nguyên

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm